1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Năm nay mùa hè khốc liệt hơn, thiên tai diễn biến bất thường

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Mùa hè năm nay đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 3 đến tháng 5, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước.

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta đã xảy ra 19/22 loại hình thiên tai.

Riêng đợt nghỉ lễ từ 29/4 đến 3/5, đã xảy ra dông lốc, mưa đá tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về kinh tế, ước tính khoảng 35 tỷ đồng.

Năm nay mùa hè khốc liệt hơn, thiên tai diễn biến bất thường - 1

Người lao động ngột ngạt, mệt mỏi trong nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc (Ảnh: Nguyễn Hải).

Đặc biệt mùa hè năm nay đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm.

Từ tháng 3 đến tháng 5, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước tại khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tính đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết hoặc mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế hơn 308 tỷ đồng.

Năm nay mùa hè khốc liệt hơn, thiên tai diễn biến bất thường - 2

Mưa lũ ở miền Trung thời điểm năm 2019 (Ảnh: Tiến Thành)

Thiên tai trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường. Hiện tượng El Nino đã xuất hiện và duy trì trạng thái đến năm 2024; số ngày nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022 gây nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là tại khu vực Trung Bộ.

Từ tháng 7 đến tháng 12, dự báo có khoảng 9-13 cơn bão trên biển Đông, đề phòng bão diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo và cường độ.

Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc; trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông miền Trung và Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Nhằm ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của thiên tai.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai để chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng.