1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mỹ chiếu phóng sự hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sơn ở Hà Nội có con gái 32 tuổi nhưng chỉ nhỏ như trẻ lên 3. Kể từ khi ra đời, Thúy đã bị mù, không biết nói, không tự ngồi dậy và không thể tự cầm nắm bất cứ thứ gì. Phóng sự về những nạn nhân này được chiếu tại Mỹ.

Đài truyền hình PBS của Mỹ vừa chiếu phóng sự về hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam trong chương trình “Đối ngoại” của Fareed Zakaria, biên tập viên nổi tiếng về các vấn đề quốc tế. Phóng sự do nhà báo Christie Aschwanden và nhà quay phim George Lerner vừa thực hiện ở Việt Nam.

 

Phóng sự ghi nhận rằng mặc dù cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đã kết thúc hơn ba thập kỷ nhưng hậu quả của chất độc da cam quân đội Mỹ rải xuống vẫn tác hại đến cuộc sống hằng ngày của biết bao người dân. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu về hậu quả của loại hóa chất độc này đã gặp khó khăn do tác động của quan hệ chính trị.

 

Trong thời gian 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường Việt Nam hơn 7,5 triệu lít chất độc da cam có nồng độ dioxin rất cao. Loại hóa chất độc này được coi là có liên hệ mật thiết với hiện tượng sảy thai, dị dạng thai và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

 

Nhà báo Aschwanden và Lerner đưa người xem gặp lại những nhân chứng từng sống dưới làn sương khói của chất độc da cam. Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sơn ở Hà Nội có con gái 32 tuổi. Nhưng kể từ khi ra đời Nguyễn Thị Phương Thúy đã bị mù, không biết nói, không tự ngồi dậy và không thể tự cầm nắm bất cứ thứ gì. Cô gái hơn 30 tuổi này vẫn chỉ nhỏ như đứa trẻ lên ba. Cậu con trai Nguyễn Thanh Tùng, 28 tuổi, cũng bị mù hai mắt. Ông Sơn cho biết trận địa của ông bị máy bay Mỹ rải chất độc da cam.

 

Bà Đặng Hồng Nhật, Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và mồ côi, nói rằng bà sống ở Củ Chi đúng vào lúc máy bay Mỹ rải chất độc da cam xuống vùng địa đạo này. Sau đó, bà sảy thai nhiều lần. Năm 1977, bà mang thai đến tháng thứ 6 thì thai chết lưu. Khi mổ ra, đó là một thai dị dạng. Bệnh viện phụ sản Từ Dũ lấy mẫu mỡ của bà gửi đi xét nghiệm và kết quả cho thấy trong người bà vẫn còn lượng dioxin cao.

 

Đáng chú ý, phóng sự này được trình chiếu ngay trước khi Tòa Phúc thẩm Mỹ mở phiên điều trần về vụ tập thể nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kháng cáo vào ngày 18/6 tới.

 

Cách đây 2 năm, Tòa Sơ thẩm Mỹ đã bác đơn của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty Mỹ sản xuất loại chất độc nguy hiểm gây tổn hại lâu dài cho con người và môi trường, với lý do rằng vụ kiện không đủ cơ sở pháp lý. Bà Nhật hy vọng phiên tòa lần này sẽ đánh thức lòng nhân đạo của mọi người.

 

Ngày 11/6, bộ phim tài liệu “Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến” của hai nhà làm phim Janet Gardner và Phạm Quốc Thái sẽ được trình chiếu tại Trung tâm Phim Cantor thuộc ĐH New York (NYU).

 

Ngày 16/6, hai hôm trước phiên toà phúc thẩm, đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ gặp những người Mỹ quan tâm tại Trung tâm Lao động Martin Luther King Jr. ở thành phố New York.

 

Theo VOV

Dòng sự kiện: Nạn nhân da cam sang Mỹ