1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quảng Nam:

Muốn được tiêu hủy lợn dịch tả Châu Phi, dân phải đóng tiền!

(Dân trí) - Để có kinh phí chi trả cho lực lượng tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả Châu Phi, chính quyền xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã thu tiền của dân trái quy định. Tùy theo cân nặng của con lợn mà số tiền phải đóng nhiều hay ít.

Nhiều người dân xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) bức xúc trước việc chính quyền xã thu tiền để mang lợn chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi đi tiêu hủy. Với loại lợn từ vài chục kg đến dưới 100 kg, tổ thu dọn xác lợn thu 200 ngàn đồng một con, lợn trên 100 kg thu 300 ngàn đồng.

Xã tự ý thu tiền dân chuyển lợn bệnh đi chôn

Những hố tiêu hủy lợn bị bệnh được đào lên để chôn

Một người dân ở thôn 2 (xã Bình Triều) cho biết, ở một số xã khác khi lợn chết được lực lượng phòng chống dịch đến nhà cân trọng lượng và lập biên bản thống kê rồi đưa đi tiêu hủy, không phải tốn tiền; còn tại xã này, sau khi cân trọng lượng và ghi vào biên bản, người dân phải bỏ ra vài trăm ngàn thì mới được chở lợn đi tiêu hủy.

Hộ dân này nuôi hai con lợn nái có tổng trọng lượng gần 200 kg bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi, sau khi báo cho cán bộ thú y đến khi cân xong trọng lượng, bà phải đóng 500 ngàn đồng mới được chở đi tiêu hủy.

Người dân cho hay, nếu không đóng tiền thì sau khi cân xong, lợn sẽ bị bỏ lại và người nhà phải chở đến điểm tiêu hủy tập trung của xã chôn lấp.

Xã tự ý thu tiền dân chuyển lợn bệnh đi chôn

Vì không muốn mất tiền nên khi mang lợn bệnh ra hố, người dân bỏ lợn xuống mà không chôn lấp theo quy định

Tượng tự, nhiều người dân khác ở xã Bình Triều có lợn chết, sau khi cán bộ phòng chống dịch đến cân xong đưa tiền mới được đưa đi tiêu hủy. Tùy theo cân nặng của con lợn chết mà đưa tiền cho tổ phòng chống dịch. Nhiều hộ dân có lợn chết sau khi cân xong không muốn bị mất tiền nên chở đến điểm chôn lấp rồi bỏ lại.

Trên địa bàn xã Bình Triều có hai điểm tiêu hủy lợn chết, chính quyền xã thuê xe múc hàng chục hố để chôn xác lợn. Tại các điểm chôn lấp này có nhiều xác lợn vứt xuống hố nhưng không được lấp lại, bốc mùi hôi thối; có hố được lấp đất cát nhưng rất sơ sài, không thực hiện chôn lấp theo quy trình.

Theo quy định, sau khi lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi thì báo cho chính quyền địa phương. Sau đó có lực lượng của xã đến đưa đi tiêu hủy, những người tham gia công tác phòng chống dịch được tiền ngân sách chi trả theo ngày công.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch xã Bình Triều giải thích, việc đội tiêu hủy lợn dịch bệnh thu tiền của người dân là không đúng với quy định. Tuy nhiên nhà nước chưa cấp tiền để chi trả cho số người này nên chính quyền thuê người vận chuyển xác lợn đi tiêu hủy rất khó khăn. Do đó có thu tiền của người dân để chi trả.

Về việc thu tiền của người dân có lợn bị tiêu hủy, ông Ba cho rằng, chính quyền xã đang gặp khó khăn vì tiền chi trả cho những người tham gia thu gom chôn lấp xác động vật thấp hơn công lao động ở địa phương nên chính quyền xã thiếu người đi làm. Cách làm này giúp nhanh chóng thu dọn lợn chết sớm đi tiêu hủy, còn để lâu ngày bị hôi thối.

Cũng theo Chủ tịch xã Bình Triều, hiện tại đã thu tiền của dân khoảng 125 triệu đồng, sau khi có tiền nhà nước chi trả vận chuyển lợn đi tiêu hủy sẽ dùng để trả lại cho người dân.

Ngoài xã Bình Triều, trên địa bàn huyện Thăng Bình có một số xã thu tiền của người dân đưa xác lợn đi tiêu hủy.

Trước sự việc này, ngày 29/7, UBND huyện Thăng Bình ký văn bản gửi các xã, thị trấn yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

UBND huyện Thăng Bình đề nghị các địa phương tuyệt đối không thu tiền của người dân, nếu địa phương nào thu tiền công vận chuyển của người dân có lợn mắc bệnh không đúng thì phải chịu trách nhiệm. 

“Các xã, thị trấn sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, kết dư, sự nghiệp kinh tế và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn”, văn bản nêu.

C.Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm