1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mùa mưa lũ lịch sử khiến miền Trung thiệt hại 36.000 tỷ đồng

Khánh Hồng

(Dân trí) - Năm 2020, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng tại khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Ước tính thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 36.000 tỷ đồng.

Chiều ngày 26/11, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị công tác phòng chống thiên tai năm 2021 tại các tỉnh miền Trung.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hải - Phó cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, năm 2020, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng tại khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Ước tính thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 36.000 tỷ đồng.

Từ giữa tháng 9/2021 đến nay, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão (số 5, 6, 7, 8) và 5 đợt mưa lớn với tổng lượng phổ biến từ 800-1.500mm, một số nơi mưa lớn hơn trên 2.000mm.

Mùa mưa lũ lịch sử khiến miền Trung thiệt hại 36.000 tỷ đồng - 1

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Khánh Hồng).

Theo ông Hải, bão, mưa, lũ đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản và làm ảnh hưởng đến công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, nhất là trong bối cảnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ năm 2020 tại một số địa phương còn chậm tiến độ, nhiều hạng mục công trình hạ tầng chưa hoàn thành.

Ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, vai trò của công tác dự báo hết sức quan trọng. Nếu dự báo làm chính xác, thu hẹp được phạm vi thì công tác phòng chống thiên tai từ trung ương đến địa phương sẽ rất chủ động, thuận lợi.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2020, Quảng Nam là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, ước tính thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng.

Mùa mưa lũ lịch sử khiến miền Trung thiệt hại 36.000 tỷ đồng - 2

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Khánh Hồng).

Theo ông Bửu, khi thiên tai xảy ra thì "4 tại chỗ" cực kỳ quan trọng, đặc biệt là việc ứng cứu người bị thương, rất hiệu quả.

"Ví dụ như xã A gặp thiên tai thì xã B đến hỗ trợ. Sự giúp đỡ của người dân với nhau cực kỳ quan trọng, góp phần giảm thiểu sức tàn phá của thiên nhiên", ông Bửu nói.

Ông Bửu kiến nghị cần phát huy đội xung kích cho "4 tại chỗ", đề nghị Trung ương có khung phòng chống thiên tai thích ứng với từng vùng và đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai giúp Quảng Nam hướng giải pháp để chống ngập tại TP Tam Kỳ…

Kết luận hội nghị, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai - cho biết, năm 2020, thiên tai diễn ra rất phức tạp, liên tiếp 8 cơn bão đổ bộ chỉ trong một tháng rưỡi. Lượng mưa lớn chưa từng có được ghi nhận.

May mắn là trong những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương nên đã kịp thời sơ tán người dân để ứng phó với thiên tai nên thiệt hại được giảm thiểu nhiều.

Theo ông Hoài, thiên tai ngày càng diễn biến phức, nền kinh tế - xã hội ảnh hưởng bởi thiên tai ngày càng nặng nề hơn… Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách về phòng chống thiên tai thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân lực, trang thiết bị, bộ máy phục vụ.

Ông Hoài cho hay, hiện các địa phương đang xây dựng quy hoạch triển kinh tế - xã hội và rất mong các địa phương lồng ghép phòng chống thiên tai vào, đối với miền Trung việc này rất quan trọng.

Trước ý kiến cho rằng dự báo thiên tai còn quá rộng, thời gian dự báo quá dài, ông Hoài xác nhận: "Công tác dự báo thật sự còn rất khó khăn, kể cả với các quốc gia phát triển trên thế giới. Chúng tôi cần tăng cường hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn".