1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Mưa lũ và sạt lở đất đá khiến 36 người chết, mất tích

(Dân trí) - Số liệu mới nhất của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho thấy, con số thương vong trong đợt mưa lũ và sạt lở đất đá đã lên tới 36 người, trên 9.000 ngôi nhà và gần 46.000 ha lúa bị ngập, 250.000 m3 đê bao nội đồng bị vỡ…

Đến thời điểm này đã có 33 người chết và 3 người mất tích, thêm 4 người chết so với báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo PCLB ngày hôm qua, 19/8, do sạt lở đất ta luy đường tại các phường Yên Ninh và phường Nguyễn Thái Học thành phố Yên Bái và 2 người mất tích tại Đồng Nai do bị lật thuyền máy tại bến đò xã Thanh Sơn, huyện Định Quán.

Con số người thiệt hại tại các địa phương khác như sau: Cao Bằng, 8 người chết (5 người lớn và 3 trẻ em do bị sạt lở đất ta luy đường Quốc lộ 3 tại tổ 6 phường Sông Bằng thị xã Cao Bằng vùi lấp); Lào Cai, 1 người (do sạt lở núi sau nhà); Sơn La, 2 người chết (do bị lũ cuốn trôi); Phú Thọ, 1 người mất tích (do đi tháo nước ở ao cá phía thượng lưu tràn sông Hẹ bị lũ cuốn trôi lúc 20 giờ ngày 17/8). 

Bên cạnh đó, số người bị thương là 18 người, tăng 11 người so với báo cáo ngày 18/8, gồm: Cao Bằng 10 người, Lào Cai 1 người. 

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ và sạt lở đất đang được tiến hành đồng bộ tại các địa phương. Quân khu 1 đã điều động 60 chiến sĩ tham gia khắc phục hậu quả tại khu vực xảy ra sạt lở đất trên quốc lộ 3 thuộc thị xã Cao Bằng, đã cứu được 12 người. Các lực lượng địa phương vẫn tiếp tục đào bới tìm kiếm người mất tích và cấp cứu người bị thương. 

Quân Khu 4 đã điều động 530 chiến sĩ tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ tai các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Quân khu 5 đã điều động 114 chiến sĩ, 2 xuồng máy và hỗ trợ 250 kg gạo giúp nhân dân vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ thuộc các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông. 

Quân khu 7 đã điều động 1.038 chiến sĩ và dân quân tự vệ cùng 10 ca nô, 4 xe tải, 1 xe cẩu, 3 xe U-oát, 80 phao và áo cứu sinh giúp nhân dân vùng bị ngập lũ thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước khắc phục hậu quả mưa lũ. Kết quả đã di dời được 1.192 hộ đến nơi an toàn. 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay, lũ trên hệ thống sông Thái Bình và sông Thao đang lên nhanh.  

Lúc 19 giờ ngày 19/8, mực nước sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,65m, dưới báo động 3 là 0,15m và đến đêm đã đạt đỉnh ở mức báo động 3; sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5,36m, dưới báo động 3 là 0,44m; sông Lục Nam tại Lục Nam là 4,77m, ở mức báo động 2; hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,63m, trên báo động 2 là 0,13m; trên sông Thao tại Yên Bái đạt đỉnh ở mức 31,5m, dưới báo động 3 là 0,5m.

Trưa nay, ngày 20/8, mực nước tại Phả Lại có khả năng đạt đỉnh ở mức 4,9m, trên báo động 2 là 0,4m; tại Phú Thọ đạt đỉnh ở mức 18,4m, trên báo động 2 là 0,2m. 

Hiền Linh

Dòng sự kiện: Mưa lũ miền Trung 8/2006