1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mưa lớn “khủng khiếp” tại Quảng Ninh: 3 mẹ con thiệt mạng

(Dân trí) - Trận mưa lớn bất thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ xảy ra tại Quảng Ninh chiều qua 26/7 đã khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập úng, gây sạt lở đất làm 3 mẹ con trong một gia đình bị tử vong, hàng trăm hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn.

 

lu2-33423

Chiều tối qua, 26/7, đường phố Quảng Ninh ngập nặng sau cơn mưa lớn kéo dài. (Ảnh: Tuấn Khanh)

Trận mưa như người dân nhận xét là "khủng khiếp" tại tỉnh Quảng Ninh chiều tối qua đã cướp đi sinh mạng 3 mẹ con trong một gia đình, khiến hàng trăm hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn vì nhà ngập úng, phòng tránh lũ lụt.

3 mẹ con thiệt mạng trong trận mưa lũ “khủng khiếp” là chị Nguyễn Thị Lan (SN 1988), cháu Đỗ Ngọc Hà (SN 2008) và cháu Đỗ Thùy Chi (SN 2011), trú tại tổ 3, khu 9, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã phân công ông Đặng Huy Hậu,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh xuống hiện trường khu vực xảy ra tai nạn chỉ đạo khắc phục hậu quả; đồng thời hỗ trợ, động viên thân nhân gia đình nạn nhân.

 

Mưa lớn “khủng khiếp” tại Quảng Ninh: 3 mẹ con thiệt mạng - 2
Đường Cái Lân lúc 8h20 sáng nay, ngập gần hết cả mặt đường. (Ảnh: CTV)

Đường Cái Lân lúc 8h20 sáng nay, ngập gần hết cả mặt đường. (Ảnh: Tuấn Khanh)

Theo báo cáo nhanh của tỉnh Quảng Ninh, trong ngày 26/7, do ảnh hưởng của vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc Bắc bộ, toàn tỉnh Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Nhiều người dân tỉnh Quảng Ninh chứng kiến trận mưa kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ đã gọi đây là “trận mưa lịch sử”, gây ngập úng hầu khắp các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo ghi nhận ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, tại thị xã Cẩm Phả, mưa to gây ngập lụt cục bộ một số đoạn thuộc quốc lộ 18A, khu vực phường Cẩm Phú, Cẩm Sơn và khu vực phường Mông Dương nước ngập đến tầng 2 nhà dân. Sạt lở gây tắc đường trước lối tránh Cửa Ông (hiện đã thông xe).

Đến 22h, ngày 26/7, mưa lớn đã gây úng, lụt cục bộ tại các đô thị (Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn), làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

 

nl-3bd30

Mưa lũ bất thường tại Quảng Ninh khiến nhiều tuyến đường giao thông trong tỉnh bị ngừng trệ vào thời điểm chiều tối ngày 26/7 (Ảnh: Tuấn Khanh)

Tại huyện Vân Đồn, do mưa rất to, trước nguy cơ đe dọa vỡ hồ Nhà Thạch (xã Đoàn Kết), chính quyền địa phương đã cho phá vai tràn để tiêu thoát nước, 10 hộ dân thuộc xã Bản Sen đã phải sơ tán đến nơi an toàn.

Tại TP Hạ Long, hàng trăm ngôi nhà đã bị ngập úng, Công ty Điện lực thành phố đã chỉ đạo cắt điện để đảm bảo an toàn đồng thời di dời các hộ gia đình đến nơi an toàn.

Theo báo cáo nhanh của tỉnh Quảng Ninh, tại TP Hạ Long hiện có 2 ngôi nhà bị sập, tuy nhiên không có thiệt hại về người. Nhiều công trình dân sinh đã bị sạt lở, hàng chục hộ dân khác đã phải di dời... Cho đến đêm 26/7 và rạng sáng 27/7, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn căng mình trên các địa bàn ngập lụt để chỉ đạo công tác di dời dân đến nơi an toàn và đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản cho người dân.

Đêm 26/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các sở ngành, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra thực tế tại các thôn khu, khe, bản, xác định thiệt hại mưa lũ gây ra. Huy động lực lượng hỗ trợ giúp các gia đình có nhà bị ngập úng, để khắc phục hậu quả, vận động nhân dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra để sớm ổn định cuộc sống.

Công điện nêu rõ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo bằng những biện pháp cụ thể kiểm tra các khu vực xung yếu trên địa bàn; kiên quyết di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản, công trường xây dựng; chỉ đạo vận hành các hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và hạ lưu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.

Huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt trên các đường.

Cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo về các nguy cơ do mưa lớn, lũ trên các sông suối để người dân nắm được và chủ động các biện pháp phòng tránh.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai việc trực và kiểm tra các địa bàn và kịp thời báo cáo tình hình về Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Tuấn Hợp