1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mua bán, cầm cố Căn cước công dân bị xử phạt như thế nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an đề xuất mức phạt đối với hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố hoặc mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình (thay thế Nghị định số 167/2013).

Trong đó đề xuất xử phạt 300.000 -500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú; không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.

Mua bán, cầm cố Căn cước công dân bị xử phạt như thế nào? - 1

Nhiều mức phạt liên quan đến việc đăng ký thường trú, tạm trú...

Phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn hoặc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Hành vi cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng.

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người khai man điều kiện, làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú; không khai báo tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà để ở…

Đáng chú ý, Điều 10 dự thảo quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân (gọi tắt là Căn cước công dân).

Dự thảo nêu rõ mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Không xuất trình các giấy tờ này khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại Căn cước công dân.

Mua bán, cầm cố Căn cước công dân bị xử phạt như thế nào? - 2

Căn cước công dân gắn chíp điện tử (Ảnh: Đỗ Linh).

Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Chiếm đoạt, sử dụng Căn cước công dân của người khác; tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Căn cước công dân.

Bên cạnh đó sẽ phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi khai man điều kiện, làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp Căn cước công dân.

Làm giả Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, mua bán, cho thuê Căn cước công dân sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.

Hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và có thể buộc thu hồi Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm