Một quốc nạn còn đáng ngại gấp bội tệ tham nhũng
Đó chính là hiện trạng giáo dục. Có ở đâu mà người dân phải kêu lên trên báo chí: "Con tôi khổ quá, ông Bộ trưởng Giáo dục ơi!"? Có bao giờ lại đổ đốn lắm bằng cấp "tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi" đến như bây giờ?
Có tiến sĩ dạy đại học cho in giáo trình sai kiến thức cơ bản, có thầy giáo vòi tiền "mãi điểm" thi của sinh viên, rồi có kẻ mang danh trí thức, nghệ sĩ mà đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh không còn biết xấu hổ là gì... Để xảy ra tình cảnh đáng sợ đó có trách nhiệm của hệ thống giáo dục không? Chắc chắn là có.
Điều căn dặn được nhấn mạnh "là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" trong di chúc của Hồ Chủ tịch về việc "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau", nỗi khắc khoải trước ngày mất của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về sự xuống cấp nghiêm trọng của giáo dục, là những chỉ giáo chiến lược, tầm lo âu về đại sự quốc gia.
Trước mắt, cần có ngay cuộc cách mạng về đề thi và cách chấm thi. Hoàn toàn có thể chỉ đạo rất hiệu quả phương hướng giáo dục và phương pháp dạy học bằng nội dung và cung cách thi cử; trước hết, bằng những đề thi buộc học sinh phải thực sự động não và sáng tạo (tất nhiên, cần vừa sức họ và được chuẩn bị trước trong một năm học). Có thể tham khảo nhiều đề thi tú tài, đại học rất hay ở những nước có nền giáo dục tiên tiến như Pháp, Mỹ... |
Một giáo sư Việt kiều được mời về thỉnh giảng ở ta, nhận ra ngay thảm trạng của lối học rập khuôn sáo vẹt (replicant model) đó: "Ở giảng đường Việt Nam, tôi có hỏi thế nào, các em cũng không trả lời, không thích hoặc không dám trả lời, mặc dù tôi chỉ hỏi sự tiếp thu của các em về phần tôi đã giảng. Có những chủ hãng kinh doanh nước ngoài cho tôi hay là họ phải phỏng vấn hàng trăm sinh viên Việt Nam, may ra mới chọn lấy một người có thể làm việc được. Đó là một thực tế lãng phí con người, lãng phí chất xám và thời gian không thể chấp nhận được!".
Thiết nghĩ, phải nhớ bài học lịch sử cứu nước trước đây: cần huy động tổng lực dân tộc vào cuộc, cần một Diên Hồng giáo dục thực sự, chứ không phải lối đánh trống bỏ dùi, bàn rồi để đấy.
Diên Hồng này sẽ tập hợp những chuyên viên, nhà giáo (chú trọng những nhà giáo về hưu có tâm và có tầm), thức giả, phụ huynh, một số học sinh sinh viên thích đáng... thực sự quan tâm và có điều kiện đóng góp. Diên Hồng này sẽ cử ra một Ủy ban Diên Hồng giáo dục (Ủy ban này trực thuộc Thủ tướng).
Trước hết sẽ cử một nhóm tập hợp, chung đúc lại hàng ngàn ý kiến về giáo dục từ trước đến nay trên các cơ quan truyền thông và hữu trách, cả trong và ngoài nước. Chỉ riêng nội dung đúc kết này cũng đủ làm mấy luận văn tiến sĩ…
Đó chính là tận dụng chất xám và tâm huyết của toàn dân tộc. Không chỉ thu gom, mà còn xử lý hệ thống lại, rút từ đó ra những luận điểm, kiến nghị thích đáng nhất - từ chiến lược căn cơ lâu dài, đến giải pháp cấp thời trước mắt. Sau đó, Ủy ban sẽ đúc kết thành văn bản, cho in và phát đến từng trường học, phường xóm, để lấy ý kiến toàn dân, rồi đưa Quốc hội duyệt, Chính phủ bắt tay tiến hành. Điều cần nhất: chiến lược-giải pháp tâm huyết ấy của toàn dân phải được thực thi nghiêm chỉnh, định rõ hạn kỳ kiểm tra, đánh giá, báo cáo lại trước Quốc hội và toàn dân...
Xin nhắc lại: ta cần tiếp tục chống tham nhũng và các tệ nạn khác. Thế nhưng, giải pháp căn cơ, bài bản phải là giải pháp giáo dục. Chính vì giáo dục xuống cấp, không làm nổi sứ mệnh trồng người có bản lĩnh nhân văn và năng lực thực tiễn, nên đã cung cấp cả con mồi - nạn nhân lẫn thủ phạm đồng lõa cho mọi tệ nạn xã hội đủ dạng ngày nay - từ tham nhũng, hành dân, tàn phá môi sinh đến đua đòi ăn chơi "hít, lắc", cá độ cả màu cờ sắc áo quốc gia...
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, sứ mệnh nền móng, cho hệ quả trăm năm, thế mà lại đang trong hiện trạng báo động đỏ!
Hãy bắt tay vào làm, và phải làm đến nơi đến chốn!
Theo Nguyễn Viết Hùng
Báo Thanh niên