1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Một giờ với Hải Bánh

Kết thúc vụ án Năm Cam và đồng bọn, nhờ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải Bánh) được hưởng án chung thân (trước đó bị cáo bị VKS đề nghị tử hình). Chúng tôi đã có dịp gặp lại Hải Bánh khi anh đang thi hành án tại một trại giam của Bộ Công an.

Chào anh Hải, anh vẫn khỏe chứ?

Vâng, tính đến hôm nay tôi đã chấp hành án được 4 năm, 2 tháng 12 ngày, tôi lên được 5 kg. Buổi sáng tôi thức dậy từ 4 giờ sáng để tập thể dục, ăn uống điều độ, nhờ thế mà tôi thấy khỏe nhiều, tinh thần cũng thoải mái.

Ở trại giam anh được giao làm việc gì?

Tôi làm sổ sách, nhập, xuất hàng cho căng-tin của trại.

Thời gian rảnh anh thường làm gì?

Tôi xin cán bộ trại nuôi 7 con mèo, 6 con chó, trồng một cây xương rồng, mới đây nó bị gãy làm tôi tiếc lắm. Thời gian rảnh, tôi dùng bao bì làm những con rồng để làm quà tặng mọi người, xem tivi, đọc báo và viết thư cho gia đình, con gái.

Những ngày này, anh thường nghĩ về điều gì nhiều nhất?

Nằm trong xà lim và biết mình đang đối diện với cái chết, toàn bộ tội lỗi của tôi cứ như cuốn phim quay chậm trong đầu. Chưa bao giờ tôi thấy ân hận nhiều như thế. Phần thiện trong người trỗi dậy, tôi cứ tự hỏi tại sao mình lại chém, lại giết người ta. Tôi thấy mình có lỗi thật nhiều với họ và chỉ mong được tha thứ để nếu có chết sẽ thanh thản hơn...

Tôi nghĩ và thương bố mẹ, thương con gái rất nhiều. Tôi cứ ray rứt và ân hận mãi. Lúc còn trẻ thì cứ gây án để bố mẹ vào trại thăm nuôi, đến khi bố mẹ già, con gái lớn cần được chăm sóc thì tôi lãnh án chung thân, không biết có còn cơ hội để chăm sóc bố mẹ! Con gái tôi năm nay đã 16 tuổi. Ở trong tù tôi nghĩ đến con tôi nhiều nhất. Ngày xử án, tôi được gặp con và cháu cứ ôm tôi khóc và bảo: “Bố ơi bố đừng chết...”. Tôi ân hận lắm!

Lúc chưa bị bắt, Hải Bánh có vị trí như thế nào trong giới giang hồ?

Có thể nói như thế này: ở Hải Phòng có Dung Hà, Sài Gòn có Năm Cam còn ở Hà Nội có Hải Bánh và Sơn Bạch Tạng. Năm 2000 tôi vào Sài Gòn làm đàn em dưới trướng Năm Cam với mức bảo kê 10 triệu đồng/tháng. Đó là số tiền cực nhỏ so với thu nhập của những người làm bảo kê khác cho anh Năm. Tôi mở tiệm uốn tóc và nghĩ là mình sẽ hoàn lương, sẽ từ bỏ quá khứ nhưng sự quậy phá của Dung Hà đã đảo lộn tất cả. Quả thật khi đã sa chân vào con đường tội lỗi thì cứ trượt dài vào vòng xoáy của tội ác.

Vì sao anh quyết định khai ra tất cả sự thật?

Lúc bị bắt, tôi nghĩ cùng lắm ba ngày sẽ được anh Năm cứu ra. Lúc đó, với quan hệ của anh Năm, tôi rất tin vào điều đó. Nhưng tôi cứ chờ đợi và biết mình chết sẽ xóa hết tội của anh Năm và nhiều người khác nên tôi có một niềm tin là phải sống.

Nhưng lúc đó anh vẫn chưa chịu khai báo?

Vâng, vì lúc đó tôi vẫn tin vào thế lực của Năm Cam, liệu khi tôi khai ra sự thật, công an có dám bắt những người liên quan? Cho đến khi tôi gặp anh Nên (trung tá Nguyễn Văn Nên, Phó Phòng Cảnh sát Điều tra Công an Tiền Giang). Anh Nên bỏ ra nhiều ngày ngồi nghe tôi tâm sự. Anh ấy đã khơi dậy trong tôi nhiều điều, về cái thiện cái ác, về chính sách khoan hồng. Tôi đã xem anh như người thân của mình và khóc thật nhiều với anh ấy. Tôi cần có một người tin tôi. Tôi hỏi anh Nên: “Liệu khi tôi khai ra các anh có dám bắt không?”. Cho đến khi các anh ấy bắt Năm Cam đưa về trại giam tôi mới tin.

Ngoài ra, tôi có được gặp tướng Thành (Trung tướng Nguyễn Việt Thành, lúc đó là trưởng ban chuyên án). Một tên tội phạm như tôi ngồi trước một vị tướng công an cũng khiếp lắm, nhưng sau đó chính sự giản dị, chân thành, cách làm việc có lý có tình của chú ấy đã thuyết phục tôi. Tôi biết tướng Thành là người dám nghĩ dám làm, nên tôi quyết định khai ra toàn bộ sự thật và tôi thấy lòng mình thanh thản vô cùng.

Năm Cam có oán hận anh?

Không! Trước ngày xét xử, tôi thỏa thuận với luật sư của mình ra tòa không được cãi nhau với luật sư của anh Năm, của Hưng (Nguyễn Việt Hưng đã thi hành án tử hình) và Trường (Nguyễn Xuân Trường). Chúng tôi đã chấp nhận bước vào chốn giang hồ, chấp nhận đi giết người, giờ cãi vã, đổ lỗi cho nhau là hèn.

Trước tòa, tôi chỉ đối diện với sự thật, đưa ra lý lẽ để bảo đảm lời khai của mình là đúng sự thật. Năm Cam vì muốn giữ lại mạng sống, nên nhiều lúc làm mất đi hình ảnh của chính mình. Trước ngày anh Năm thi hành án tử hình, tôi có đề đạt nguyện vọng đưa tiễn anh Năm và chính anh Năm cũng có nguyện vọng gặp tôi. Lãnh đạo đã cho phép chúng tôi gặp nhau tại khám Chí Hòa. Lúc đó cảm giác của tôi và anh Năm đều trống rỗng.

Sau đó anh Năm ôm tôi và chỉ nói một câu: “Anh xin lỗi chú. Án chú dài quá nhưng chú còn có cơ hội, ráng cải tạo để còn gặp mọi người”. Còn tôi, lúc đó tôi nghĩ lẽ ra ngày hôm nay đi với Năm Cam còn có Hải Bánh nữa...

Lúc nghe tòa tuyên án và biết mình được giảm từ án tử hình xuống còn chung thân, người đầu tiên anh nghĩ đến là ai?

Là tướng Thành và anh Nên. Anh Nên luôn động viên và khuyên tôi cứ khai báo thành khẩn sẽ còn cơ hội sống. Trong những ngày diễn ra phiên tòa, cảm giác trong tôi trống rỗng và cũng chính tướng Thành và anh Nên khuyên bảo tôi hãy tin vào chính sách khoan hồng. Tôi mang ơn hai người này rất nhiều.

Lúc đó anh có tin là mình sẽ thoát được án tử hình không?

Tôi không dám tin nhưng hy vọng. Sau này, nghe gia đình kể lại, lúc đó giới giang hồ Hà Nội ra kèo cá độ tôi có thoát án tử không? Tất cả đều tập trung ở nhà tôi để chờ nghe tuyên án. Sau đó, chuông điện thoại nhà tôi reo liên tục vì mọi người gọi đến để mừng cho mẹ tôi.

Anh thoát chết nhờ chính sách khoan hồng, anh nghĩ gì về điều đó?

Tôi biết ơn chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, nếu không, giờ này Hải Bánh cũng đã thành cỏ. Tôi nghĩ điều đó tác động rất lớn đến những người phạm tội như tôi. Họ sẽ xem đó là tấm gương để khai báo thành khẩn.

Nếu cải tạo tốt, anh có cơ hội đoàn tụ với gia đình sớm. Anh có hình dung ngày đó cuộc sống của mình sẽ ra sao?

Tôi tính năm nay mình đã 39 tuổi, nếu chấp hành tốt sẽ được giảm án và có thể khi ra tù đã ngoài 50 tuổi. Biết đâu lúc đó tôi đã lên chức ông ngoại (cười). Tôi sẽ mở một quán cà phê, bán điểm tâm sáng và sống một cuộc sống bình thường. Ở tù mới thấy thèm tự do, thèm lắm!. Tôi tin là mình sẽ phục thiện, án tù chung thân này là sự trả nợ cuối cùng cho tội lỗi của tôi. Tôi sẽ không mắc lại con đường cũ, chắc chắn như thế.

Nếu nói lời khuyên với những người lầm lỡ như anh, anh sẽ nói với họ điều gì?

Nhiều lúc đọc báo, xem tivi thấy băng này nhóm nọ, tôi lại buồn và thương cho họ. Khi đã sa chân, nhiều người rất muốn nổi tiếng trong giới giang hồ. Tôi chỉ muốn nói với những ai đã lỡ lầm thì hãy dừng lại. Nếu ai biết suy nghĩ, hãy nhìn thế lực như anh Năm rồi cuối cùng cũng phải trả giá đắt, hay những thằng như Hải Bánh rồi cũng chẳng còn gì ngoài sự ân hận...

Theo Minh Diệu
Báo Người lao động