1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Dương:

Một công nhân chết đuối khi bỏ trốn khỏi xưởng gỗ “tù binh”

(Dân trí) - Vào làm việc tại xưởng gỗ của ông Phong được vài ngày, anh Rót cùng một công nhân khác không chịu được cảnh “tù binh”, đã liều mình bơi qua chiếc hồ khá rộng để bỏ trốn.

Cái chết tức tưởi của một công nhân

Hồ Cần Nôm, nơi công nhân Sơn Bồ Rót chết đuối khi bỏ trốn khỏi xưởng gỗ
Hồ Cần Nôm, nơi công nhân Sơn Bồ Rót chết đuối khi bỏ trốn khỏi xưởng gỗ

Sau khi Công an huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) thực hiện lệnh bắt tạm giữ 3 tháng đối với ông Trần Tấn Phong (50 tuổi, chủ cơ sở gỗ Tấn Phong ở ấp Cà Tong, xã Thanh An) về hành vi “Giữ người trái pháp luật”, rất nhiều tình tiết về cảnh “tù binh” trong xưởng gỗ của ông này được hé lộ. Nghiêm trọng hơn là việc anh Sơn Bồ Rót (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng, công nhân trong xưởng gỗ Tấn Phong) chết tức tưởi vào ngày 26/5 khi cố bơi qua hồ Cần Nôm nhằm tìm đường tháo chạy khỏi xưởng gỗ này.

Từ nhiều thông tin thu thập, được biết, thông qua những tay “cò” lao động tại TP.HCM, anh Sơn Bồ Rót cùng một người bạn quê Cà Mau được đưa đến xưởng gỗ của ông Phong từ ngày 19/5. Khi đến nơi, đối tượng “cò” lao động đòi các anh trả 700 ngàn đồng tiền môi giới việc làm. Do anh Rót không có tiền, ông Phong đã đứng ra trả số tiền này, sau đó sẽ trừ dần vào lương làm việc của anh Rót. Bên cạnh đó, chủ xưởng gỗ còn buộc các công nhân mới này đưa toàn bộ tư trang, điện thoại và phải làm việc 12 giờ/ngày với mức lương hơn 2 triệu/tháng.

Theo lời kể của chị L.T.Đ. (làm công nhân chung với anh Rót tại xưởng gỗ Tấn Phong, cùng quê Sóc Trăng), khi được nhận vào làm việc, Rót cùng với những công nhân nam khác phải làm việc cật lực, đến bữa ăn chỉ có cá khô với rau luộc. Đặc biệt, về đêm một số công nhân còn bị “nhốt” trong một căn phòng kín mít, không có nhà vệ sinh, chỉ có một chiếc bô nhỏ để tiểu tiện chung và có camera theo dõi 24/24h.

Xưởng gỗ của ông Phong nằm trong rừng cao su, biệt lập với bên ngoài, có diện tích khá rộng, xung quanh được bảo vệ rất kiên cố bởi hàng rào kẽm lưới B40 lồng thêm những dây kẽm gai. Chỉ còn phần duy nhất không rào chắn là phía mặt hồ Cần Nôm mênh mông nước. Đây chính là hướng duy nhất mà nhiều công nhân đã chọn làm đường trốn chạy.

Cổng dẫn vào xưởng gỗ Tấn Phong
Cổng dẫn vào xưởng gỗ Tấn Phong

Dù mới vào làm việc được vài ngày nhưng anh Rót cùng một công nhân khác đã không chịu được cảnh “tù binh” nên vào giờ nghỉ trưa ngày 26/5, cả hai quyết định bỏ trốn, hai công nhân này thoát khỏi khu làm việc, chạy ra hướng hồ Cần Nôm, nhảy xuống và bơi. Hồ sâu, sức đuối, anh Rót vẫy vùng rồi chết chìm dưới giữa lòng hồ; người bạn trốn chạy cùng may mắn thoát nạn.

Sau khi xác anh Rót được vớt lên bờ, phải 2 ngày sau đó, bà Lâm Thị Lê (48 tuổi, mẹ của nạn nhân) mới nhận được cuộc gọi điện từ công an huyện Dầu Tiếng thông báo việc con trai bà bị chết vào ngày 26/5 và đề nghị gia đình sắp xếp thời gian lên nhận dạng nạn nhân, đưa xác về quê mai táng. Lý do bà Lê biết tin muộn như vậy là do không có cách liên lạc ngay, khi anh Rót chết dưới hồ vì toàn bộ số điện thoại cũng như thông tin về nhân thân của anh Rót đã bị “bốc hơi”.

Đã từng có nhiều vụ bỏ trốn?

Cổng dẫn vào xưởng gỗ Tấn Phong
Nơi ở của một số công nhân làm trong xưởng gỗ Tấn Phong nhìn như "chuồng cọp", khi công nhân đi ngủ chủ xưởng gỗ khóa chặt như nhà tù

Chuyện công nhân Rót vượt hồ Cần Nôm trốn chạy khỏi cảnh “khổ sai” khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn, nếu cơ sở làm ăn đàng hoàng, quan tâm tới đời sống công nhân thì anh Rót có phải liều mình trốn chạy để rồi mất mạng? Còn có thông tin cho rằng, thời điểm anh Rót đang chới với giữa hồ, có người đã báo tin cho ông Phong nhưng ông này lại vô cảm, không để ý tới.

Một cựu cán bộ mặt trận ấp Thanh Tân (xã Thanh An) kể, chuyện công nhân làm việc tại xưởng gỗ Tấn Phong bỏ trốn đã từng xảy ra nhiều lần. Mỗi lần công nhân bỏ trốn là phía trong xưởng, cả nhà ông Phong truy hô cướp, sau đó xuất hiện nhiều người cầm theo cây sắt nhọn, to dài rượt theo, lục soát từng nhà, những người bỏ trốn không may bị bắt lại chắc chắn sẽ bị đánh tơi tả.

Tuy nhiên, trước những thông tin này, ông Trần Tấn Phong chỉ thừa nhận có khóa cửa bên ngoài nơi ở của công nhân, Ông Phong từng lý giải cho việc này là “Chỉ khóa cửa bên ngoài với người lao động mà ông cảm thấy có dấu hiệu nghi ngờ bỏ trốn”. Vậy vì sao lao động lại phải bỏ trốn? Ông Phong trả lời: “Cũng không hiểu vì sao lao động bỏ trốn!”.

Vào cuộc điều tra, cơ quan công an huyện Dầu Tiếng xác định, ông Phong đã có hành vi “Giữ người trái phép” và dùng nhiều thủ đoạn “giữ chân” công nhân có ý định bỏ việc bằng cách giữ điện thoại, giấy tờ hay “giam lương” của người làm thuê. Riêng nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Sơn Bồ Rót được xác định chết do ngạt nước. “Các công nhân cố bỏ chạy, bơi qua hồ Cần Nôm và công nhân Rót chết đuối là do sợ thế lực nào đó của ông Phong” – Một cán bộ điều tra huyện Dầu Tiếng khẳng định.

Ông Phong được lấy lời khai tại cơ quan công an
Ông Phong được lấy lời khai tại cơ quan công an

Một xưởng gỗ hoạt động bất thường và đối xử với công nhân như “tù binh” nhưng không hề bị chính quyền địa phương “sờ gáy” khiến dư luận không khỏi nghi ngại về chuyện có “bảo kê”? Đặc biệt, mấy ngày vừa qua lại xuất hiện nhiều tờ rơi được phô tô từ một bài báo có nội dung bênh vực, cho rằng ông Phong bị oan. Về những vấn đề này, Thiếu tá Hồ Văn Dũng cho biết: “Đến thời điểm hiện tại chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu bao che của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ mở rộng điều tra để làm rõ động cơ, mục đích của người viết, người phát tán tờ rơi” .

Cơ quan CSĐT huyện Dầu Tiếng đang tiếp tục phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Dương điều tra, làm rõ.

Trung Kiên