1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bình Dương:

Bắt chủ xưởng gỗ đối xử với công nhân như “tù binh”

(Dân trí) – Những công nhân làm việc cho ông Phong bị camera giám sát 24/24, không được sử dụng điện thoại, ban đêm ngủ bị khoá chặt cửa. Có lần, công nhân tên L. “gắp sự cố” đau bụng phải phá tôn, leo lên mái nhà “giải quyết”.

Ông Trần Tấn Phong, chủ xưởng gỗ bị bắt chiều 4/7
Ông Trần Tấn Phong, chủ xưởng gỗ bị bắt chiều 4/7

Chiều 4/7, Thiếu tá Hồ Văn Dũng, Phó Công an huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) cho biết, công an huyện này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can tiến hành bắt tạm giữ 3 tháng đối với ông Trần Tấn Phong (50 tuổi, chủ cơ sở gỗ Tấn Phong ở ấp Cà Tong, xã Thanh An) về hành vi “Giữ người trái pháp luật”.

Theo điều tra ban đầu, cơ sở sản xuất của ông Phong nằm trên khu đất rộng hàng nghìn m2, hoạt động khoảng từ năm 2010 đến nay, thường xuyên sử dụng từ 8-10 lao động, chủ yếu trong độ tuổi từ 16-18 và là người dân tộc Kh’mer.
 
Họ được nhận vào làm thông qua “cò” lao động từ TP.HCM với mức phí 500.000- 800.000 đồng. Số tiền này sẽ được chủ cơ sở trừ thẳng vào lương của họ. Thời điểm ban đầu, ông Phong thường dùng “chiêu” hứa hẹn sẽ đảm bảo một công việc tốt, lương cao.
 
Thường ngày, ông Phong bắt công nhân dậy từ 4h sáng để vệ sinh nơi ở và làm việc quần quật đến 17h chiều, có hôm tăng ca thì đến 19h, thời gian nghỉ trưa chỉ vẻn vẹn 1 tiếng.
 
Điều đáng nói, ông Phong còn quản lý công nhân của mình bằng cách không cho điện thoại, ban đêm ngủ bị nhốt vào trong nhà bằng khung sắt, không có nhà vệ sinh, công nhân muốn “giải quyết” phải tranh thủ đi trước. Chủ cơ sở cũng lắp đặt 8 camera chĩa vào nơi ăn ở của công nhân để theo dõi 24/24.

Nơi ở của công nhân được ông Phong làm kiên cố như nhà tù
Nơi ở của công nhân được ông Phong làm kiên cố như "nhà tù"
 
Một xưởng gỗ hoạt động bất thường và đối xử với công nhân như “tù binh” nhưng không hề bị chính quyền địa phương “sờ tới” khiến dư luận không khỏi nghi ngại về chuyện có “bảo kê”?.
 
Đặc biệt, mấy ngày vừa qua ở địa phương lại xuất hiện nhiều tờ rơi được phô tô từ một bài báo có nội dung bênh vực, cho rằng ông Phong bị oan càng khiến nhiều người bức xúc. Về những vấn đề này, Thiếu tá Hồ Văn Dũng cho biết: “Đến thời điểm hiện tại chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu bao che của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ mở rộng điều tra để làm rõ động cơ, mục đích của người viết, người phát tán tờ rơi” .

Liên quan đến vụ việc này, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có công văn chỉ đạo giao Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Công an huyện Dầu Tiếng khẩn trương điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của ông Trần Tấn Phong; đồng thời cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chức năng liên quan vụ việc.

Một phòng ở của công nhân
Một phòng ở của công nhân

Chính việc đối xử với công nhân như “tù binh” khiến người làm thuê cho ông Phong không thể chịu được sự hà khắc này. Theo thông tin của PV nắm được, đã có công nhân liều mình bơi qua hồ Cần Nôm (phía sau xưởng gỗ) bỏ trốn để rồi phải bỏ mạng vì quá đuối sức.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này

Trung Kiên