1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mỗi ngày 4.000 con heo trôi nổi lên bàn ăn người dân TPHCM

Hoàng Lê

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở NN&PTNT TPHCM cho biết, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Trong đó, chỉ 6.000 con giết mổ trên địa bàn có thể kiểm soát được, 4.000 con còn lại là heo trôi nổi.

Ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã làm việc, kiểm tra chuỗi giá trị nông sản tại TPHCM tại chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh), hệ thống siêu thị MM Mega Market, Coop Extra Linh Trung (TP Thủ Đức) cùng nhiều cơ sở chế biến, sản xuất ban đầu tại quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Củ Chi.

Hoạt động này nhằm đánh giá hiện trạng, thống nhất một số giải pháp trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.

Mỗi ngày 4.000 con heo trôi nổi lên bàn ăn người dân TPHCM - 1

Thịt heo cung ứng cho TPHCM tại chợ đầu mối Bình Điền sáng 17/10 (Ảnh: QĐ).

TPHCM tiêu thụ 4.000 con heo trôi nổi mỗi ngày

Khi đến khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi với đại diện Sở NN&PTNT TPHCM và Ban Quản lý ATTP TPHCM: Còn bao nhiêu lò mổ ở địa phương hoặc thực phẩm chuyển từ các tỉnh thành khác đến TPHCM chưa được kiểm soát?

Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Trong đó, giết mổ trên địa bàn TPHCM là 6.000 con có thể kiểm tra được. 4.000 con còn lại là heo trôi nổi trên thị trường.

Theo lộ trình của UBND TPHCM ban hành trước đây, đến cuối năm 2019 tất cả các sản phẩm giết mổ trên địa bàn phải được kiểm soát hết. Vừa rồi, TPHCM đã ký gia hạn trở lại 3 lò mổ công nghiệp quy mô lớn tầm cỡ Đông Nam Á chưa hoàn thành.

Theo ông Phú, có nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ sử dụng các lò mổ. Như lò mổ Xuyên Á, đã phê duyệt kỹ thuật xong hết rồi nhưng khi triển khai lại vướng quy chuẩn về bảo vệ môi trường. Lãnh đạo Sở NN&PTNT TPHCM kỳ vọng, trước Tết Nguyên đán có một lò mổ công nghiệp đi vào hoạt động.

Mỗi ngày 4.000 con heo trôi nổi lên bàn ăn người dân TPHCM - 2

Người dân thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo tại siêu thị ở TPHCM (Ảnh: MM).

Với thịt xuất xứ từ tỉnh không do Chi cục Thú y TPHCM quản lý, mỗi năm TP cũng có lấy test nhanh 4-5 lần ngẫu nhiên để kiểm tra về dư lượng chất cấm, kháng sinh… Đến nay, ngành chức năng chưa phát hiện thịt heo nhập từ tỉnh về Vissan không đạt.

Chỉ dựa vào truy xuất nguồn gốc heo là chưa đủ

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP nhận định, nếu thực hiện giết mổ tập trung sẽ thuận tiện kiểm soát hơn giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ lậu. Và kể cả giết mổ tập trung mà làm hình thức, một mắc xích đứt gãy thì sẽ dẫn đến nguy cơ thực phẩm không an toàn.

Qua triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, bà Lan nhận thấy cái người dân quan trọng nhất không phải là heo nuôi ở đâu, chủ trại là gì, có đạt chuẩn VietGAP hay không, mà phải trả lời được câu hỏi heo có an toàn hay không. Vì chỉ cần lỏng lẻo một khâu thì heo cũng không thể đảm bảo.

Với heo được giết mổ tại TPHCM, bà Lan cho biết, ngoài kiểm tra theo phương pháp cổ điển là đóng dấu lên heo, còn có thêm việc gắn vòng truy xuất nguồn gốc.

Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM đánh giá, những thực phẩm tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc có tỷ lệ an toàn cao, nhưng còn nhiều việc phải làm. Bởi ngoài heo bán ở siêu thị, vẫn còn heo trải bạt bày bán ở vỉa hè. Đây vẫn là nguy cơ gây mất ATTP, cần có giải pháp kiểm soát trong thời gian tới.

Mỗi ngày 4.000 con heo trôi nổi lên bàn ăn người dân TPHCM - 3

Bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ về vấn đề kiểm soát thịt heo an toàn trên địa bàn TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng theo bà Phong Lan, TPHCM đang dần hướng đến giết mổ tập trung, công nghiệp hóa. Tuy nhiên khi làm theo hướng hiện đại, sẽ kéo theo giá cả tăng và bị tìm cách "đối phó".

Thực tế, Ban ATTP TPHCM cũng rất lúng túng trong việc quản lý việc heo bên ngoài vào, không nuôi tại TPHCM, hoặc heo bị mang về tỉnh giết mổ để chuẩn kiểm soát giết mổ dễ dàng hơn.

Do đó, bà Lan đề xuất, các quy định pháp luật cần đồng bộ và nâng dần các chuẩn kiểm soát thực phẩm ở các địa phương. Và ngành chức năng không nên chỉ hài lòng với vấn đề ATTP chỉ qua việc kiểm soát trên giấy tờ.

"Chúng tôi chỉ biết được heo về chợ đầu mối an toàn nói chung, còn sau đó nếu tiểu thương có pha lại, xử lý lại thịt hay không thì không nắm được…

An toàn hay không nếu chỉ dựa vào truy xuất nguồn gốc heo là chưa đủ, cần có thêm sự tăng cường hỗ trợ kinh phí về kiểm nghiệm để chứng minh chất lượng thực phẩm. Thực tế các tiêu chuẩn vi sinh chỉ đánh giá được việc ngộ độc thực phẩm hiện tại. Còn độc chất có thể tích tụ, ảnh hưởng trong mấy chục năm sau" - bà Lan dẫn chứng.

Lãnh đạo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, theo thống kê, cả nước có hơn 400 cơ sở giết mổ tập trung cho 37 tỉnh thành, hơn 20.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ 30% có giấy chứng nhận kinh doanh, 34% cơ sở có thú y kiểm soát giết mổ. Câu chuyện kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ đang là vấn đề rất nan giải.

Đại diện Cục Thú y cho rằng, để vào cuộc kiểm soát được thịt gia súc, không chỉ có Thú y, Ban ATTP mà còn cần chính quyền địa phương vào cuộc, cụ thể là cấp xã quản lý về giết mổ nhỏ lẻ theo quy định.

Cục Thú y đã trình và đang chờ Chính phủ ký duyệt một chỉ thị về quản lý giết mổ, nhằm nhắc nhở các lãnh đạo địa phương cần chung tay vào cuộc để giải quyết vấn đề ATTP.