1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mỗi năm, 1 tỷ USD “tuồn” ra nước ngoài để cá độ

(Dân trí) - “Theo số liệu của Công ty Điện toán quốc tế, hàng năm có khoảng 1 tỉ USD được tuồn từ Việt Nam ra nước ngoài để cá độ bóng đá và không thể kiểm soát được”, Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái cung cấp thông tin khiến không ít người giật mình trong buổi thảo luận về Luật Thể dục thể thao chiều 19/10.

Cho phép cá cược, nên hay không?

 

Trước thực trạng nạn cá độ bóng đá ngày một gia tăng, khó kiểm soát, việc có nên đưa vào luật qui định về hình thức cá độ hợp pháp hay không được nhiều đại biểu quan  tâm đóng góp ý kiến. Đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng, dự thảo Luật TDTT không đề cập đến loại hình cá cược tại Việt Nam là không phù hợp với thực tế: “Đã đến lúc phải thừa nhận thực tế này để đưa ra qui định về cá cược bóng đá cho phù hợp. Theo tôi, trong luật cần có một điều qui định mang tính nguyên tắc về hình thức cá cược để làm cơ sở cho Chính phủ đưa các qui định sau này”, ông Xướng đề xuất.

 

So với lần trình xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp trước, Dự án Luật TDTT trình Quốc hộ thông qua lần này bỏ điều qui định về việc thực hiện cá độ hợp pháp. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) cho rằng, lý do để không đưa vào luật qui định này vì trong bộ Luật Hình sự đã có điều cấm là không thuyết phục, ông Nhơn phân tích: “Theo qui định về ban hành văn bản qui phạm pháp luật thì nếu có sự khác nhau giữa các điều khoản pháp luật thì qui định nào ra sau sẽ thực thi theo qui định đó. Nếu chúng ta né tránh và không đưa vào luật sẽ không phù hợp. Cần phải có điều khoản khung, mang tính nguyên tắc”.

 

Đại biểu Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại cuộc hội thảo của Tổng cục Cảnh sát về vấn đề các độ bóng đá tổ chức tại Khánh Hòa vừa qua cũng đề xuất Nhà nước nên có hình thức cá cược hợp pháp để ngăn chặn tình trạng cá cược bất hợp pháp như hiện nay.

 

1 tỉ USD cá độ “tuồn” ra nước ngoài

 

Mỗi năm, 1 tỷ USD “tuồn” ra nước ngoài để cá độ  - 1

Đại biểu Đặng Văn Xướng cho rằng, dự thảo Luật TDTT không đề cập đến loại hình cá cược tại Việt Nam là không phù hợp với thực tế.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái, Ủy ban TDTT đang xây dựng Đề án về cá cược, cá độ bóng đá để trình Chính phủ vào cuối tháng 10 và Bộ Tài chính cũng sẽ trình Chính phủ Nghị định về quản lý sổ xố, trò chơi có thưởng. 

 

“Hiện số tiền trong nước “tuồn” ra ngoài để cá cược bóng đá rất lớn, không kiểm soát được. Theo Singapore Pool, một công ty cá cược của Singapore, mỗi năm chúng ta mất khoảng 300 - 400 triệu USD cá độ bóng đá nước ngoài. Còn theo thông báo của Công ty Điện toán quốc tế, mỗi năm có tới 1 tỷ USD được tuồn ra  nước ngoài để cá độ bóng đá”, ông Nguyễn Danh Thái cung cấp con số khiến nhiều người giật mình.

 

Trong Đề án về cá cược bóng đá do UBTDTT soạn thảo, quy định người chơi chỉ được đặt tối đa 30.000 đồng/lần. “Số tiền này không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân và đáp ứng được sự ham thích, say mê”, ông Thái cho biết.

 

Cũng trong Đề án về cá cược, cá độ bóng đá, có cả hình thức “cai nghiện” cho những người quá máu me cá độ.

 

Về hình thức tổ chức cá cược, ông Thái cho biết, trong tình hình hiện nay, sẽ ưu tiên phương án thành lập công  ty liên doanh với nước ngoài để tổ chức cá cược bởi Việt Nam chưa có khả năng về cơ sở vật chất, máy móc và kinh nghiệm trong chuyện này. Ông Thái lý giải: “Không phải cứ làm cá cược là có lãi. Nếu người chơi giỏi mà người điều hành không giỏi có khi bị lỗ”. Tuy nhiên, trong các công ty này, Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc phải là người Việt Nam”.

 

Được biết, một công ty của Anh, với tổng vốn đầu tư 22 triệu USD khả năng sẽ là đối tác đầu tiên được cấp phép trong lĩnh vực này trong vòng 15 năm. “Chúng ta chỉ có mỗi việc cấp phép, còn toàn bộ do họ đầu tư, sau 15 năm, họ sẽ chuyển giao lại lại cho Việt Nam máy móc, cơ sở vật chất và kinh nghiệm”.

 

Về lộ trình xây dựng Luật, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái cho biết, trong dự thảo Luật TDTT lần này chưa đưa nội dung cá cược bóng đá vào. Uỷ ban TDTT sẽ kiến nghị Chính phủ đưa ra Nghị định qui định về vấn đề này. Nếu thành công trong thực tiễn sẽ xin phép bổ sung vào Luật sau.

 

Đức Hòa