1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mối họa cá sấu sổng chuồng

(Dân trí) - Tại các tỉnh phía Nam, <a href="http://www1.dantri.com.vn/Sukien/2007/11/205148.vip">nguy cơ cá sấu sổng chuồng</a> trong mùa lũ đe dọa tính mạng người dân như vụ hàng trăm con cá sấu của trại Yang Bay thoát trại là rất lớn. Hàng triệu người sống ven các kênh rạch có thể sẽ trở thành mồi ngon của lũ thú dữ khi chúng đói ngấu. Viễn cảnh ấy không ai dám tưởng tượng ra.

Nguy cơ hàng trăm ngàn con cá sấu sổng chuồng 

Tại đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay có hơn 100.000 con cá sấu nuôi đã trưởng thành, nhiều nhất là ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Hai tỉnh này lại nằm ở ngay đầu nguồn lũ. Nếu vỡ đê bao, lũ lớn tràn về kèm theo mưa, lốc xoáy… thì sao?

Giữa biển nước mênh mông của con lũ đồng bằng Cửu Long, làm sao truy bắt được chúng? Hàng triệu người dân sinh sống tại các căn nhà tranh lá ọp ẹp, di chuyển bằng xuồng nhỏ sẽ trở thành mồi ngon của lũ thú dữ khi chúng đói ngấu vì không được cho ăn hàng ngày.  

Trong một cuộc họp ngày 17/6 vừa qua, ông Nguyễn Đình Cương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 56 tổ chức, cá nhân có trang trại nuôi cá sấu và hơn 200 hộ gia đình nuôi gia công cho các cơ sở với tổng đàn trên 100.000 con. Điều đáng lo ngại là một số hộ nuôi gia đình chưa đủ điều kiện về chuồng trại nuôi nhốt còn sơ sài, vận chuyển bằng phương tiện thô sơ… Và nhiều hộ nuôi tự phát, lén lút không đăng ký với các cơ quan chức năng nên rất khó quản lý. Đó là cơ hội cho những chú cá sấu đào thoát. 

Mặc dù TPHCM là phố thị, nhưng với hàng ngàn con hẻm nhỏ, với hàng trăm tuyến kênh rạch và tình trạng ngập úng diễn biến phức tạp như hiện nay, việc săn lùng những con cá sấu sổng chuồng cũng không phải là chuyện dễ. Đó là chưa kể đến hiện tượng triều cường, sạt lở bờ kênh diễn ra phổ biến tại Thanh Đa (Bình Thạnh), Nhà Bè - những nơi có nhiều chuồng trại nuôi cá sấu ở TPHCM, rất có thể sẽ là nguyên nhân chính giúp giải thoát lũ cá sấu. 

Mùa nước lũ đang về trên đồng bằng sông Cửu Long, nếu chúng ta không kiểm tra và có biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ e sẽ không kịp trở tay khi sự cố xảy ra. 

Không phải bây giờ mới có 

Từ mấy năm nay, khi nghề nuôi cá sấu lấy da, thịt xuất khẩu nở rộ tại các tỉnh phía Nam, chuyện cá sấu sổng chuồng đã nhiều lần xuất hiện. 

Ngày 2/5/2004, một con cá sấu nặng 5kg nuôi nhốt tại xã Thạnh Quới, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ sổng chuồng, khiến cho bà con cả xã hoảng loạn. Vì cùng thời gian đó, người dân phát giác ra xác một con chó bị xé nát cạnh bờ kênh. Và mọi người kháo nhau: cá sấu ăn thịt người. Mất một ngày ráo riết săn lùng, ngày 3/5, lực lượng công an xã mới bắt được con cá sấu này. 

Mùa mưa năm ngoái, hàng chục con cá sấu ở các khu biệt thự vườn tại Nhà Bè (TPHCM) cũng sổng chuồng bò khắp nơi, khiến bà con sinh sống xung quanh “được” một phen hồn vía lên mây. 

Còn cơn mưa lớn bất ngờ vào đêm 22/9/2006 đã cuốn phăng rào chắn B40 của trại nuôi cá sấu khu du lịch Câu lạc bộ Xanh ở xã Phước Tân, huyện Long Thành (Đồng Nai), làm hơn chục con cá sấu hoa cà nặng từ 40 đến 90kg - loài cá sấu hung dữ nhất ở Việt Nam, thoát ra ngoài. Phải qua nhiều ngày sau, các cơ quan chức năng mới bắt hết được chúng. 

Sáng 19/2/2007, ông Lâm Văn Mứt đang thảnh thơi chạy thể dục thì bất chợt gặp… 1 con cá sấu nằm trước sân nhà anh hàng xóm. Té ra đó là một trong hai con cá sấu của ông Nguyễn Ngọc Trung (khu phố 3, thị xã Tân An, Long An) bị sổng tối hôm trước. Do ông Trung sơ ý dựng một cuộn lưới B40 trong chuồng, cá sấu vô tình húc cuộn lưới ngã vào bờ rào làm thành cây cầu để bò ra. May mà chỉ có 2 trong số 101 con của trại này thoát được ra ngoài. 

Đầu năm nay, bà con huyện Bình Chánh, quận 12 (TPHCM) cũng thường câu được cá sấu trên các con rạch. Như hai cha con ông Tạ Văn Dĩa ở ấp 2, xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh bắt được cá sấu dài 1,6 m, nặng tới 20 kg. 

Và mới đây nhất, chiều 10/11, nước lũ đã giúp “giải thoát” hàng trăm con cá sấu tại khu du lịch Yang Bay. Trong khi nước lũ tràn mênh mông cả dải đất miền Trung, thật khó để kiểm soát và truy bắt được hết hàng trăm con cá sấu. Người dân miền Trung đang khốn khó với lũ dữ, nay còn xuất hiện nguy cơ thú dữ rình rập. 

Tùng Nguyên