1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mỗi Chấp hành viên phải "gánh" 233 vụ thi hành án, trên 127 tỷ đồng

Thế Kha

(Dân trí) - Hiện tại, mỗi Chấp hành viên thi hành án dân sự phải tổ chức 233 việc với số tiền trên 127 tỷ đồng. Sự "quá tải" đó do số vụ việc và số tiền thụ lý mới năm 2024 tăng cao.

Thông tin đó được Bộ Tư pháp nêu ra trong báo cáo kết quả thi hành án dân sự 10 tháng năm 2024 (tính theo quy định của ngành).

Năm nay, tổng số phải thi hành án gần 912.900 việc, trong đó có điều kiện thi hành 672.000 việc (chiếm 74%) và chưa có điều kiện thi hành 223.533 việc (chiếm 24,5%).

Ngành thi hành án dân sự đã thực hiện xong 465.500 việc, tăng 31.750 việc so với cùng kỳ năm 2023, đạt tỷ lệ gần 70%.

Về tiền, toàn ngành đã thi hành xong trên 87.200 tỷ đồng, tăng hơn 10.077 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 (đạt gần 32%).

Mỗi Chấp hành viên phải gánh 233 vụ thi hành án, trên 127 tỷ đồng - 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (Ảnh: Thanh Nga).

Kết quả thi hành án đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng cũng khả quan khi đã xong trên 12.156 tỷ đồng (tổng số phải thi hành 95.570 tỷ đồng nhưng có điều kiện chỉ trên 50.580 tỷ đồng).

Bộ Tư pháp nhận định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lượng việc thi hành án chuyển kỳ sau tăng cao do số việc, số tiền thụ lý mới năm 2024 tăng rất cao so với cùng kỳ 2023.

Vì vậy, theo Bộ Tư pháp, dù kết quả tăng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 31.752 việc và tăng 10.077 tỷ đồng) nhưng cũng chưa thể giảm ngay được việc chuyển kỳ sau.

Hơn nữa, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, có giá trị phải thi hành án lớn nhưng giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án có giá trị rất thấp.

Nói về khó khăn thời gian tới, đại diện Bộ Tư pháp phản ánh số việc, tiền phải thi hành án ngày càng tăng cao, đặc biệt là số tiền phải thi hành trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Số lượng vật chứng, tài sản bị tuyên tiêu hủy rất lớn, trong khi quy trình, thủ tục xử lý gặp nhiều vướng mắc.

Chấp hành viên của các cơ quan thi hành án dân sự đang rơi vào tình trạng quá tải. "Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi Chấp hành viên sẽ phải tổ chức thi hành 233 việc với số tiền trên 127 tỷ đồng", Bộ Tư pháp nêu thực tế.

Mỗi Chấp hành viên phải gánh 233 vụ thi hành án, trên 127 tỷ đồng - 2

Vừa qua, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã nộp đủ tiền, hoàn tất việc thi hành án phần dân sự (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bộ Tư pháp cũng khẳng định, nhiều năm qua đã phối hợp chặt chẽ với VKSND Tối cao thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và xử lý nghiêm các vi phạm, thiếu sót trong quá trình tổ chức thi hành án.

"Nhờ đó phát hiện và ngăn ngừa vi phạm, thiếu sót từ sớm, từ xa. Tình trạng vi phạm, thiếu sót đã được kéo giảm qua từng năm", cơ quan này cho hay.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp và ngành thi hành án dân sự sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để triển khai đồng bộ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, vi phạm, nhất là triển khai thực hiện Quy định 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống  tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Áp lực vì số lượng đương sự quá nhiều

Bộ Tư pháp dẫn chứng một số vụ việc có điều kiện thi hành án có số lượng đương sự quá nhiều: Vụ Tân Hoàng Minh phải hoàn trả trên 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại; vụ Alibaba có 4.548 người được thi hành án; vụ án Lê Xuân Giang có 5.818 người được thi hành án. Từ đó làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là việc thực hiện thông báo cho đương sự theo quy định hiện hành mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, nguồn nhân lực để thực hiện không đủ, dẫn đến quá tải trong việc thanh toán. Một số vụ việc có số lượng vật chứng, tài sản đặc biệt lớn hoặc có các chất độc hại, xăng dầu giả, hàng giả, xyanua, chất độc... chi phí tiêu hủy, cưỡng chế rất lớn, có vụ việc lên đến hàng tỷ đồng.

Tính riêng 81 vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi đang tổ chức thi hành án, đã có đến 3.500 tài sản phải xử lý, trong đó 1.226 tài sản là quyền sử dụng đất (trung bình phải xử lý 430 tài sản/vụ).