Mô hình, tổ chức hệ thống thi hành án dân sự sẽ như thế nào?
(Dân trí) - Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh sẽ chuyển đổi thành Thi hành án dân sự cấp tỉnh, tương đương cấp chi cục. Chi cục thi hành án cấp huyện có thể tổ chức lại là thi hành án dân sự khu vực.
Theo dự thảo Đề án tổ chức lại Tổng cục Thi hành án dân sự thành Cục Quản lý thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), toàn hệ thống thi hành án dân sự hiện có 270 phòng thuộc 63 Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Đến đầu năm nay, cả nước có 693 chi cục thi hành án (giảm 16 chi cục so với năm 2019); trung bình mỗi chi cục có 9,4 biên chế.
606 chi cục thi hành án có dưới 15 biên chế (chiếm hơn 86%), chưa đáp ứng tiêu chí thành lập chi cục theo quy định tại Nghị định 123/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Do sắp tới không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh và tổ chức bộ máy TAND, VKSND có thay đổi nên tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi (Ảnh: Thu Hằng).
Nếu không tổ chức tòa án cấp huyện và thành lập 355 tòa án sơ thẩm khu vực thì có thể sẽ tổ chức 355 thi hành án dân sự khu vực tương ứng.
Dù vậy, mô hình tổ chức cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương đang tiếp tục được Tổng cục Thi hành án dân sự nghiên cứu, đề xuất nhằm tìm ra phương án phù hợp với tổ chức của tòa án và viện kiểm sát.
Dự thảo đề án cho thấy, Cục Quản lý Thi hành án dân sự sẽ có 4 phó cục trưởng do yêu cầu quản lý chuyên ngành chuyên sâu, khối lượng công việc lớn, nhiều đơn vị thuộc và trực thuộc.
"Khối lượng công việc tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh sẽ tăng đột biến, khó khăn cho công tác quản lý; trong khi năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan thi hành án một số tỉnh chưa ngang tầm nhiệm vụ, thậm chí có nguy cơ lạm quyền, phát sinh tiêu cực", cơ quan chủ trì đề án dự báo.
Cục Thi hành án dân sự địa phương được yêu cầu xây dựng Đề án sắp xếp hệ thống thi hành án dân sự cấp tỉnh, gửi về Tổng cục Thi hành án dân sự trước ngày 15/6.
Cục Quản lý Thi hành án dân sự và Thi hành án dân sự tỉnh theo mô hình mới dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 1/7.
Đề xuất mô hình tổ chức hệ thống tòa án
TAND Tối cao vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.
Theo dự thảo, mô hình tổ chức hệ thống tòa án mới sẽ gồm: TAND Tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND khu vực (hiện nay là TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).
Bên cạnh mô hình tổ chức hệ thống tòa án 3 cấp như trên, dự thảo luật sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các tòa án.
TAND khu vực gồm các tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc. Theo Điều 60 dự thảo, các Tòa chuyên trách có thể có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên...