Đang tham mưu giải quyết chế độ cho hơn 1.000 công chức thi hành án
(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đang tổng hợp, thẩm định, tham mưu giải quyết chế độ chính sách cho hơn 1.000 công chức tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Thông tin đó vừa được Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đưa ra trong báo cáo triển khai công tác từ nay tới cuối năm.
11 trường hợp tại Tổng cục Thi hành án dân sự đã được giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc theo Nghị định 178/2024 của Chính phủ.
Hơn 1.000 công chức tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đăng ký xin nghỉ sớm đang được Tổng cục Thi hành án tổng hợp, thẩm định, tham mưu giải quyết chế độ chính sách.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi (Ảnh: Hồng Mây).
Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống thi hành án dân sự theo Kết luận số 126-KL/TW và Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị đang được xây dựng nhằm phù hợp định hướng tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
"Hiện nay, Tổng cục đang phối hợp với TAND, VKSND xây dựng đề án bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các cơ quan có liên quan để việc tổ chức thi hành án được hiệu quả, mang lại lợi ích, sự thuận tiện nhất cho người dân", báo cáo cho hay.
Tổng cục Thi hành án cũng tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý Thi hành án dân sự, các đơn vị thuộc Cục, và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Theo báo cáo, 6 tháng vừa qua, nhiều giải pháp cụ thể đã được Tổng cục Thi hành án dân sự triển khai gắn với cải cách hành chính, kiện toàn bộ máy, nâng cao trách nhiệm công chức, đặc biệt là vai trò nêu gương của người đứng đầu.
Báo cáo cũng cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm được Tổng cục Thi hành án chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, góp phần siết chặt kỷ luật và nâng cao hiệu quả trong toàn hệ thống.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống thi hành án dân sự sẽ được đẩy mạnh, tạo nền tảng quan trọng cho quá trình chuyển đổi số toàn ngành.
Tổng cục Thi hành án tiếp tục duy trì, hỗ trợ vận hành các phần mềm nghiệp vụ, chỉ đạo cập nhật dữ liệu và thông tin người chưa có điều kiện thi hành án lên hệ thống.
Cơ quan này đã triển khai toàn quốc dịch vụ tư pháp công trực tuyến về thu, nộp án phí, lệ phí tòa án; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử thi hành án, triển khai đề án và dự án chuyển đổi số giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến 2035, tích hợp thông báo thi hành án qua ứng dụng VNeID.