Hơn 1.000 cán bộ xin nghỉ sớm: Không phải có đơn rồi buông công việc

Thế Kha

(Dân trí) - Trước việc hơn 1.000 công chức thi hành án có nguyện vọng xin nghỉ sớm, Thứ trưởng Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh không phải có đơn xin nghỉ rồi buông công việc, làm việc cầm chừng, đối phó.

Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh quan điểm trên tại hội nghị triển khai công tác thi hành án từ nay tới cuối năm do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/4.

Trong bối cảnh cả nước tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy, ông Khôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống thi hành án dân sự khi vẫn đạt được những kết quả nhất định.

Hơn 1.000 cán bộ xin nghỉ sớm: Không phải có đơn rồi buông công việc - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi (Ảnh: Thu Hằng).

Dù sắp tới sẽ có những thách thức, biến động trong tổ chức nhưng Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh trong bối cảnh nào cũng không được làm gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đối với các trường hợp có nguyện vọng xin nghỉ việc, nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178 của Chính phủ, theo ông Khôi, trong thời gian chờ đợi xem xét, giải quyết chế độ không được có tư tưởng buông lỏng.

"Ai thiếu tinh thần trách nhiệm, lơ là trong giai đoạn này phải xem xét trách nhiệm. Không phải có đơn xin nghỉ rồi buông công việc, hay làm việc cầm chừng, đối phó. Thủ trưởng các đơn vị khi tiếp nhận hồ sơ xin nghỉ phải xem xét, đánh giá thật kỹ. Nếu sai phải chịu trách nhiệm", ông Khôi nói.

Nhấn mạnh việc sắp xếp tinh gọn bộ máy lần này là dịp để cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự địa phương phải có đánh giá toàn diện, từ đó chủ động đưa ra các phương án sắp xếp kiện toàn phù hợp.

"Nhiều chấp hành viên xin nghỉ như vậy thì số lượng thiếu sẽ xử lý như thế nào, bổ sung từ nguồn dự phòng ra sao? Nếu sắp xếp cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh thì lãnh đạo là ai… Những điều này đều cần phải tính toán kỹ lưỡng", ông Khôi đề nghị.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thắng Lợi, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, thẳng thắn đề nghị xem xét lại các đơn xin nghỉ sớm của cán bộ thi hành án dân sự ở tỉnh Bình Dương - nơi có tỷ lệ thi hành án xong về việc và về tiền đạt kết quả thấp 6 tháng qua và có nhiều cán bộ làm việc với tinh thần trách nhiệm không cao.

Hơn 1.000 cán bộ xin nghỉ sớm: Không phải có đơn rồi buông công việc - 2

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi (Ảnh: Thu Hằng).

"Chấp hành viên không dám ký, làm việc cầm chừng thì cần phải xem xét lại", ông Lợi nói và cho biết, Bình Dương bắt đầu phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Về công tác cán bộ, báo cáo tại hội nghị cho thấy, 11 trường hợp tại Tổng cục Thi hành án dân sự đã được giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc theo Nghị định 178/2024 của Chính phủ.

Hơn 1.000 công chức tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đăng ký xin nghỉ sớm đang được Tổng cục Thi hành án tổng hợp, thẩm định, tham mưu giải quyết chế độ chính sách.

Bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp), cho biết đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Tổng cục Thi hành án dân sự để tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức đối với hệ thống thi hành án.

Đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống thi hành án dân sự đang được xây dựng nhằm thống nhất với đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống tòa án, viện kiểm sát địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện, mục tiêu là có phương án tối ưu về mô hình tổ chức, đảm bảo hiệu quả.

Bà Hà nói các cơ quan thi hành án dân sự địa phương sẽ giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ xin nghỉ việc sau khi Đề án sắp xếp hệ thống thi hành án dân sự được phê duyệt.

"Chúng tôi đề nghị các đồng chí dù đã có nguyện vọng nghỉ sớm vẫn phải nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chung sức, chung lòng cùng anh em trong đơn vị, trong toàn hệ thống vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án năm 2025 đã đề ra", bà Hà nói tại hội nghị.

Nữ Vụ trưởng Tổ chức cán bộ yêu cầu xây dựng tiêu chí, tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ công chức thi hành án dân sự, từ đó đưa ra những người không đáp ứng yêu cầu; thu hút, giữ chân những người có phẩm chất, năng lực để đảm bảo sự ổn định, hiệu quả hoạt động.

Thu hồi 9.800 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

6 tháng qua số lượng việc và tiền phải thi hành án tăng mạnh nhưng toàn hệ thống thi hành án dân sự vẫn giữ được sự ổn định, tăng trưởng tích cực.

Trong tổng số gần 753.000 việc phải thi hành (có điều kiện trên 501.000 việc), toàn hệ thống thi hành án dân sự đã thực hiện xong trên 255.260 việc; thi hành xong gần 58.000 tỷ đồng trong tổng số 526.000 tỷ đồng phải thi hành.

Về kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đã thực hiện xong trên 2.060 việc trong tổng số phải thi hành gần 6.000 việc (4.238 việc có điều kiện thi hành).

Đến nay, toàn hệ thống thi hành xong, thu hồi được 9.800 tỷ đồng trong tổng số phải thi hành gần 106.000 tỷ đồng.