1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến về Sài Gòn

(Dân trí) - Xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa quyết tâm bảo vệ cửa ngõ này tới cùng trước sự tiến công của quân Giải phóng. 12 ngày đêm mở cánh cửa thép Xuân Lộc trở thành một trong những trận đánh ác liệt nhất của quân Giải phóng trên đường tiến về nội đô, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Tháng Tư lịch sử, khắp các ngã đường, cờ đỏ, sao vàng tung bay trong nắng. Tháng Tư 1975, chàng thanh niên 20 tuổi Hồ Văn Hồng (xóm 5, xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn với khí thế thần tốc. 12 ngày đêm cùng đồng đội mở toang "cánh cửa thép" Xuân Lộc để tiến về nội đô, giải phóng Sài Gòn trở thành những ký ức không thể nào phai trong tâm trí Đại tá Hồ Văn Hồng.

Đại tá Hồ Văn Hồng hồi tưởng về những ngày tháng 4 lịch sử ở cửa ngõ Sài Gòn 42 năm về trước
Đại tá Hồ Văn Hồng hồi tưởng về những ngày tháng 4 lịch sử ở cửa ngõ Sài Gòn 42 năm về trước

Sau khi để mất Tây Nguyên, quyết tâm nỗ lực tối đa nhằm giữ vững những phần đất còn lại, chính quyền Sài Gòn quyết định lấy Xuân Lộc làm trung tâm phòng ngự, chặn bước tiến của quân Giải phóng, bảo vệ sân bay Biên Hòa và trung tâm đầu não chỉ huy ở Sài Gòn. Việt Nam Cộng hòa đã tập trung về đây nhiều đơn vị thiện chiến với quyết tâm “tử thủ” để bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn.

Đại tá Hồ Văn Hồng (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4) kể: “Sư đoàn 341 được lệnh phối hợp với Sư đoàn 7 tiến công vào Xuân Lộc. 5h45 ngày 9/4, Quân đoàn 4 nổ súng tiến công, các trận địa pháo của Quân đoàn, Sư đoàn đồng loạt nhả đạn vào các mục tiêu quan trọng của địch ở thị xã Long Khánh.

Các sư đoàn bộ binh đồng loạt xung phong. Quân ta đã chiếm được một nửa thị xã Long Khánh, toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đưa được 3 tiểu đoàn chốt trong thị xã và chia cắt đường số 1 từ ngã ba Dầu Giây đến đèo Mẹ Bồng Con. Quân địch dùng hỏa lực mạnh phản kích dữ dội. Cuộc chiến bước vào thế giằng co quyết liệt giữa hai bên...”.

Bộ binh và xe tăng quân Giải phóng tiến công thị xã Xuân Lộc, mở toang cánh cửa tiến về Sài Gòn (ảnh tư liệu)
Bộ binh và xe tăng quân Giải phóng tiến công thị xã Xuân Lộc, mở toang cánh cửa tiến về Sài Gòn (ảnh tư liệu)

Đứng trước tình hình căng thẳng ở Xuân Lộc, Bộ Tư lệnh Miền Nam và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã điều chỉnh chiến thuật, từ đánh chiếm chuyển sang bao vây, cô lập lực lượng quân Mỹ ngụy. Từ ngày 12/4/1975, quân ta đã đồng loạt triển khai các lực lượng đánh vòng ngoài, chặn cắt các ngả đường tiếp tế, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, bẻ gãy toàn bộ các đợt phản kích của chính quyền Sài Gòn.

Sư đoàn 341 được giao nhiệm vụ phối hợp Sư đoàn 6, Trung đoàn 95B chốt chặn tại đèo Mẹ Bồng Con cắt đứt mọi đường chi viện và tháo chạy của địch, làm chủ toàn bộ tuyến đường 20. Tối ngày 20/4/1975, quân địch bắt đầu rút chạy khỏi Xuân Lộc. Sư đoàn 341 được lệnh khép chặt vòng vây, truy kích không cho quân địch tháo chạy theo tuyến đường 20.

Trước sự tấn công như vũ bão của quân Giải phóng Miền Nam, những tuyến phòng thủ cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Xuân Lộc tan rã. Rạng sáng ngày 21/4/1975, “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá đã mở toang cánh cửa cho Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Mỹ Ngụy.

Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển bộ máy chính quyền tại Sài Gòn. Ngay tối ngày Xuân Lộc được giải phóng, Tổng thống Ngụy Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức và trốn chạy khỏi Sài Gòn hai ngày sau đó. Ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố “Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”.

Quân đội và chính quyền Sài Gòn càng hoang mang, run sợ hơn khi phòng tuyến cuối cùng đã bị quân giải phóng chọc thủng. Những kháng cự yếu ớt của tàn binh không thể bảo vệ sào huyệt cuối cùng ở Sài Gòn. 11h30 ngày 30/4/1945, Quân đoàn 2 đã cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập.

Sau khi phá toang cánh cửa Xuân Lộc để Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 tiến vào Sài Gòn, đơn vị của Đại tá Hồng được lệnh phối hợp với lực lượng đặc công tiêu diệt địch ở Sân bay Biên Hòa. Chiều 30/4, đơn vị mới vào sâu trong nội đô, khi Sài Gòn đã rợp bóng cờ hoa mừng ngày giải phóng, non sông thu về một mối.

“Đánh vào nơi địch cho là “cánh cửa thép” với hệ thống phòng thủ nhiều tầng lớp, quân ta đã gặp nhiều tổn thất, thương vong. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, bằng sự sự mưu trí, dũng cảm, với chiến thuật thay đổi phù hợp với tình hình, các cánh quân của ta đã đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch, mở đường cho quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ngày 30/4, chúng tôi đã vào tới Sài Gòn đúng như lời hẹn. Không thể nói hết được những cảm xúc lúc đó khi hòa trong dòng người hò reo, cờ hoa rợp trời mừng ngày non sông thống nhất. Để vào đến đây, nhiều đồng đội tôi đã ngã xuống, ngay cửa ngõ Sài Gòn…”, vị Đại tá như nghẹn lại.

Hoàng Lam