Lý giải về mây lạ xuất hiện tại Hà Nội
(Dân trí) - “Những đám mây có hình dạng giống nhiều cụm bọt nước khổng lồ xuất hiện sau cơn mưa chiều 20/8, tại Hà Nội, có tên khoa học là mây mammatus. Nó có thể đem bão hoặc mưa rất lớn khi đối lưu đang phát triển”.
Sau cơn mưa rào khá lớn vào buổi chiều qua 20/8, nhiều người dân TP Hà Nội vô cùng thích thú khi tận mắt ngắm nhìn hiện tượng thiên nhiên đẹp mắt. Đó là hình ảnh về cầu vồng kép và đặc biệt hơn là những đám mây với hình thù kỳ lạ, giống những đám bọt nước khổng lồ bồng bềnh trôi trên bầu trời.
Bên cạnh sự thích thú, không ít người lo lắng cho rằng đây là dấu hiệu báo trước của lũ lụt, động đất... Rất nhiều bạn đọc sau khi ngắm chùm ảnh mây lạ trên Dân trí đã cho rằng Hà Nội sắp có bão lớn; nhiều bạn chia sẻ hiện tượng thiên nhiên này khiến các bạn vừa thích thú, vừa lo sợ. Một độc giả còn khẳng định, trước trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) hồi năm ngoái, bầu trời Tứ Xuyên cũng có hiện tượng này.
Ảnh do độc giả Phạm Hồng Chương chụp trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia (đường Phạm Hùng, Hà Nội)
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn cho biết: Trên thực tế, cầu vồng xuất hiện sau mưa là hiện tượng quang học phổ biến nhất. Đây là hiện tượng tán sắc của các ánh sáng từ mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa. Tuỳ vào số lần khúc xạ mà người ta phân cầu vồng theo bậc 1, bậc 2.
Chiều qua, Hà Nội đã xuất hiện cả cầu vồng bậc 1 nhìn rất rõ và cầu vồng bậc 2 mờ hơn. Hiện tượng quang học này cũng thường xuất hiện vào bình minh, khi những tia mặt trời đầu tiên xuất hiện, gặp hơi nước.
Bức ảnh cầu vồng của độc giả Trần Diệu Hương chụp được trên sân thượng vào chiều qua, ở khu tập thể ĐH Bách khoa Hà Nội
“Những đám mây có hình dạng giống như cụm bọt nước khổng lồ cùng xuất hiện chiều qua có tên khoa học là mây mammatus, theo tiếng Latinh nó có tên gọi là bộ ngực. Khi nhìn thấy những đám mây này chúng tôi cũng khá bất ngờ và lo ngại. Bởi mây mammatus là dấu hiệu của những cơn mưa, bão lớn (những “cụm bọt nước” chính là hình ảnh của một lượng lớn hơi nước trong không khí bị ngưng tụ lại).
Tuy nhiên, sau khi quan sát chúng tôi nhận định: Đây chỉ là những đám mây chứa hơi nước đang tan, chứ không phải là những đối lưu đang phát triển. Vì vậy, hoàn toàn không cần lo ngại đến khả năng xảy ra mưa, bão trong những ngày tới” - ông Hải cho hay.
Dù vậy, các nhà khoa học cũng khẳng định, hiện tượng thiên nhiên xảy ra ở Hà Nội chiều qua là điều khá hiếm gặp.
Báo điện tử Dân trí xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã gửi ảnh chia sẻ khoảnh khắc đẹp tuyệt của cầu vồng và mây lạ trên bầu trời Hà Nội chiều 20/8/2009. Rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quý độc giả dành cho Dân trí. Mọi sự đóng góp, chia sẻ, xin gửi về email: bandoc@dantri.com.vn |
Thanh Trầm