1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lý do thu hồi tài sản tham nhũng đạt cao nhất từ trước tới nay

Thế Kha

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) lý giải nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng năm 2023 cao nhất từ năm 2013 tới nay.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 19/10, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho biết đến hết ngày 30/9 đã kết thúc năm báo cáo công tác thi hành án.

"Cả năm 2023, kết quả thi hành án đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước dù số việc tăng cao, số tiền phải thu hồi rất nhiều, tính chất các vụ việc thi hành án rất phức tạp.

Đơn cử như vụ Châu Thị Thu Nga có tới 1.000 đương sự, vụ Alibaba có nhiều nghìn đương sự, số tiền đều phải thu hồi rất lớn. Số việc và số tiền thi hành xong đều vượt chỉ tiêu mà Quốc hội giao, đều tăng mạnh so với năm 2022", ông Lực thông tin.

Lý do thu hồi tài sản tham nhũng đạt cao nhất từ trước tới nay - 1

Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Ảnh: Thế Kha).

Cụ thể, hệ thống thi hành án đã thi hành xong gần 575.000 việc, tăng trên 36.000 việc so với cùng kỳ năm 20222. Về tiền, đã thi hành xong hơn gần 90.000 tỷ đồng, tăng 14.400 tỷ đồng (tăng 19,16%) so với cùng kỳ năm trước.

"Đây là kết quả thu hồi cao nhất từ trước tới nay", ông Lực nói.

Về kết quả thi hành án trong các vụ kinh tế, tham nhũng, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin, đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc và thu hồi được hơn 20.400 tỷ đồng.

"Đây cũng là số tiền thu được cao nhất từ năm 2013 tới nay - từ khi thống kê các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng", ông Lực cho hay.

Đối với kết quả theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan đã thi hành xong 582/1.375 bản án (tăng 153 bản án so với năm 2022).

Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện chặt chẽ quy định pháp luật nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.

Trả lời báo chí về kết quả cụ thể của những vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Lực khẳng định Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đã phát huy tác dụng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự coi đây là nhiệm vụ chính trị, trực tiếp chỉ đạo liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng nên kết quả rất khả quan.

Một số vụ việc mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo đều đạt kết quả khá tốt.

Trong đó, vụ ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3-2) và đồng phạm vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí tại Tổng công ty 3-2 đã thu hồi được 572 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 đã thu được 465 tỷ đồng và giai đoạn 2 đã thu hồi được 458 tỷ đồng.

Vụ buôn lậu, nhận hối lộ xảy ra ở Đồng Nai và một số tỉnh thu hồi được 427 tỷ; vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm thu hồi được 129 tỷ đồng…

"Đó là những kết quả hết sức khả quan, đáng phấn khởi", ông Lực nhấn mạnh với báo chí.