Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ bỏ nhiều thủ tục, tích hợp nhiều giấy phép
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường sẽ tiệm cận và hội nhập quốc tế, nhưng phải đảm bảo quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Tại cuộc họp lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia quốc tế về sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, sau 5 năm thực hiện luật đã bộc lộ một số tồn tại, chồng chéo với các luật khác, trong khi diễn biến về môi trường ở Việt Nam ngày càng phức tạp.
Để đảm bảo luật sau khi sửa đổi tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và có mời các tổ chức, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm tham gia góp ý.
Dự thảo luật sửa đổi sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét ban hành vào năm 2020.
“Luật mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tiệm cận và hội nhập quốc tế và phải đảm bảo quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” - ông Nhân nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường đã bãi bỏ rất nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được công tác quản lý như thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược so với luật năm 2014. Dự thảo luật chỉ quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược là các quy hoạch theo quy định trong Luật quy hoạch.
Quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bảo đảm thống nhất với dự án đầu tư, đầu tư xây dựng theo tiêu chí phân loại của Luật Đầu tư công. Chỉ các dự án đầu tư xây dựng mới có công trình xử lý chất thải và các dự án khác có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện báo cáo ĐTM.
Các dự án khác không thuộc quy định nêu trên và dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có không phải thực hiện ĐTM.
Đồng thời quy định cơ chế khuyến khích các dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và áp dụng thực hành môi trường tốt nhất (BEP). Các dự án áp dụng BAT thì được miễn ĐTM, các dự án áp dụng BEP thì việc thẩm định theo hình thức đơn giản là lấy ý kiến, bảo đảm thông thoáng, đơn giản thủ tục hành chính.
Bỏ thủ tục phê duyệt báo cáo ĐTM và sửa đổi việc thẩm định báo cáo ĐTM theo hướng báo cáo ĐTM do chủ dự án lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thẩm định chỉ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép khai thác khoáng sản,....
Dự thảo luật cũng đề xuất bỏ kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bỏ quy định “tiền kiểm” về xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và thay vào đó là “hậu kiểm” bằng giấy phép môi trường, kiểm soát được chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không có dự án bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Đáng chú ý, dự thảo luật đã hợp nhất, tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước hiện có thành giấy phép môi trường, bao gồm: giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; giấy phép xả khí thải; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm); tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi.
Ông Kim In Hwan - chuyên gia về chính sách, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho rằng, ĐTM liên quan đến quá trình quy hoạch khi phát triển các dự án phát triển hạ tầng ở quy mô lớn. Quy trình cấp phép môi trường chỉ quan tâm đến các cơ sở gây ô nhiễm. Đây là công cụ chính sách để có thể bảo vệ được môi trường, là yếu tố đóng vai trò quan trọng và chủ đạo.
Theo ông, các cơ sở gây ô nhiễm phải nhận được giấy phép trước khi được hoạt động. Khi cấp ĐTM và giấy phép môi trường, phải thận trọng để tránh chồng chéo, có thể tạo gánh nặng kép cho doanh nghiệp.
Đại diện của Ngân hàng Thế giới đề xuất định nghĩa đúng về tác động môi trường, tác động xã hội, và lưu ý đến tác động trực tiếp, gián tiếp để làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách sau này.
Hiện nay ở Việt Nam quá trình tham vấn ĐTM vẫn còn khoảng cách so với thông lệ quốc tế. Chính vì thế cần lưu ý tham vấn không chỉ đối với những người chịu tác động trực tiếp mà còn cần lưu ý đến những người chịu tác động gián tiếp.
Thế Kha