“Lựa chọn cán bộ sai sẽ rất nguy hiểm”
(Dân trí) - “Công việc lựa chọn cán bộ mà sai sẽ rất nguy hiểm! Tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là phải có đạo đức. Có trách nhiệm đối với nước với dân, hết lòng phục vụ nhân dân, Tổ quốc” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm.
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã chỉ ra một số yếu kém, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó có nêu vấn đề: Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.
Liên quan đến nội dung trên, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của Đảng hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: "Tôi tin tưởng lứa cán bộ đang học lớp dự nguồn lần này sẽ đáp ứng tốt cho Đại hội Đảng XII tới đây".
Nhiệm vụ cấp bách thứ 2 trong Nghị quyết TƯ 4 đã nêu, đó là công tác quy hoạch cán bộ. Theo PGS nhìn nhận, công việc này đang được Đảng ta tiến hành như thế nào trong thời điểm hiện nay, nhất là khi Đại hội Đảng XII đang đến gần?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Chúng ta đang làm rất mạnh, rất tốt. Tôi là người nghiên cứu lịch sử Đảng đã nhiều năm, đồng thời là người đang trực tiếp tham gia giảng dạy lớp dự nguồn cán bộ cao cấp của Đảng. Tôi thấy chưa chặng nào chúng ta làm tốt, bài bản và rất có hệ thống như hiện nay.
Chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII, chúng ta đã mở 5 lớp dự nguồn cán bộ cao cấp của Đảng, mỗi lớp có khoảng 100 đồng chí. Sắp kết thúc lớp thứ 5 và mở lớp thứ 6 là xong. Công tác quy hoạch cán bộ là nhiệm vụ cấp bách thứ 2 mà Nghị quyết TƯ 4 đã nêu, do đó công việc này chúng ta đã chuẩn bị từ 2 năm nay rồi, bây giờ mới làm thì sao mà kịp được.
Ở các cấp tỉnh, thành phố họ cũng đang mở các lớp dự nguồn và đang được làm rất khẩn trương.
Việc lựa chọn cán bộ được thực hiện qua các bước như nào? Làm thế nào để công việc này được diễn ra công tâm, khách quan, tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền thưa ông?
Lựa chọn cán bộ là khâu cực kỳ quan trọng. Tại hội thảo “Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay” diễn ra ở Quảng Ninh hôm 28/1 vừa qua, có có đồng chí đã nói: “Trong Đảng cũng còn có những kêu ca, dân chưa đồng tình. Có những nơi đánh giá cán bộ chưa đúng, chưa trúng, cán bộ ngồi nhầm chỗ làm nản lòng người dân”. Tôi rất đồng tình với ý kiến này, công việc lựa chọn cán bộ mà sai là sẽ rất nguy hiểm.
Bởi vậy, việc lựa chọn cán bộ phải thực hiện qua các khâu: Đầu tiên là khâu đánh giá, khâu này rất quan trọng, bởi nếu đánh giá mà sai là hỏng ngay từ đầu. Sau khi đánh giá xong mới đưa người đó vào quy hoạch. Tiếp theo mới đưa vào bồi dưỡng, rồi mới sắp xếp vào các vị trí. Sắp xếp xong, sau đó mới luân chuyển các vị trí để rèn luyện qua thực tế…
Công tác lựa chọn, quy hoạch cán bộ chúng ta đang làm rất chặt chẽ, bài bản, có hệ thống hơn. Nhưng cũng không tránh được hết những cái sai, hiện tượng chạy chức, chạy quyền. Những tiêu cực đó thường diễn ra rất tinh vi, khó phát hiện, nhưng khi phát hiện ra thì kiên quyết phải sửa, điều chỉnh ngay, tránh dung túng bao che cho cái đó.
Muốn khâu lựa chọn cán bộ diễn ra công tâm, thì theo tôi phải dựa vào nguyên tắc tập thể. Chứ không được chen vào đó lợi ích cá nhân, tránh tình trạng “ưu tiên” người nhà, người quen, hay “cạ” của mình mà lựa chọn. Tập thể phải có trách nhiệm với việc lựa chọn cán bộ của mình.
Vậy theo ông, cán bộ đảng viên được lựa chọn vào các vị trí chiến lược cần phải có những tiêu chuẩn nào?
Như Bác Hồ đã dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Do đó, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là phải có đạo đức. Có trách nhiệm đối với nước với dân, hết lòng phục vụ nhân dân, Tổ quốc.
Thứ 2 là phải có trí tuệ, trình độ học vấn cao, hiểu biết rộng, cái này rất quan trọng. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chúng ta đang hội nhập sâu hơn với quốc tế; nền kinh tế bây giờ là nền kinh tế trí thức mà học vấn thấp thì không thể làm được cán bộ.
Thứ 3 là người cán bộ phải có năng lực thực tiễn, bởi bên cạnh trình độ lý luận thì thực tiễn rất quan trọng. Ai thiếu thực tiễn thì phải rèn luyện thêm. Thực tế đã có nhiều cán bộ trung ương phải xuống địa phương, lăn lộn thực tiễn, sau đó mới trở về hiểu được cấp chiến lược như nào. Ngoài ra, cán bộ phải nhạy bén với thời cuộc, thời cơ mang đến để đưa ra những quyết định đột phá, thúc đẩy đất nước phát triển.
Thứ 4 là phải có uy tín với nhân dân, được dân yêu mến. Khi là cán bộ thì không được xa dân, phải gần dân lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, để từ đó có những hướng giải quyết hợp lý, hợp lòng dân.
Như PGS cho biết, ông là người trực tiếp tham gia giảng dạy lớp dự nguồn cán bộ cao cấp của Đảng đợt này. Vậy, theo ông đánh giá đội ngũ cán bộ đợt này như nào, có khác gì so với thế hệ trước?
Mỗi một thế hệ cán bộ đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ đó, chứ ta không nên so sánh thế hệ cán bộ này với thời kỳ trước đó. Ở thế hệ trước đòi hỏi bản lĩnh chính trị, sự hy sinh nên các cụ mới vượt qua được sự khốc liệt của chiến tranh như vậy.
Ở thời kỳ này đòi hỏi cán bộ phải có hiểu biết sâu, rộng hơn nhiều mặt như: văn hóa, chính trị, kinh tế… Người cán bộ cũng tự nâng trình độ lên và rồi cũng được trang bị đầy đủ.
Qua tiếp xúc giảng dạy, qua chấm bài tôi thấy nhiều đồng chí rất có tâm huyết, có trách nhiệm cao và tư duy rất tốt. Tôi tin tưởng lứa cán bộ dự nguồn này đáp ứng tốt cho Đại hội Đảng XII sắp tới, chúng ta sẽ có những cán bộ giỏi về mọi mặt cho nhiệm kỳ tới, đất nước ta sẽ ngày càng phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)