“Cán bộ ngồi nhầm chỗ làm nản lòng người dân”
(Dân trí) - Đề cập công tác cán bộ, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, “trong Đảng cũng còn có những kêu ca, dân chưa đồng tình”... Thực tế, nếu đề bạt cán bộ 9 điểm, bên dưới sẽ đồng lòng, ủng hộ; nhưng “buồn thay”, có nơi cán bộ 3 - 4 điểm vẫn được đề bạt.
Ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương được đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay", diễn ra tại Quảng Ninh ngày 28/1.
Lo ngại “bông hoa bị tha hóa”!
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, từ khi ra đời Đảng đã minh chứng vị thế rất rõ. Tiếp đó, vai trò lãnh đạo của Đảng khi giành chính quyền và vai trò cầm quyền sau tuyên ngôn độc lập rất rõ. “Lịch sử đất nước, dân tộc đã trao sứ mệnh lớn lao cho Đảng đó là sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền, không phải Đảng tự vơ vào”, ông Lâm khái quát.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, vị thế trao cho rồi, vấn đề là làm thế nào để xứng đáng vị thế đó. Nhân dân có suy tôn Đảng hay không phụ thuộc hành động cụ thể của mỗi đảng viên hàng ngày.
TS Phạm Đình Đảng, Phó TBT Tạp chí Cộng sản cũng nhìn nhận, Đảng đủ sức tranh đoạt cầm quyền ngay khi ra đời, tuy nhiên, “không phải sinh ra là còn mãi mãi” và vấn đề quyết định còn hay mất là năng lực cầm quyền, nâng cao năng lực cầm quyền.
Cho rằng, nếu không cảnh giác với nguy cơ thì việc cầm quyền của Đảng Cộng sản có thể khó khăn, ông Đảng nêu lên 6 nguy cơ, trong đó có nguy cơ về sự biến dạng lí luận của Đảng cầm quyền, quan liêu - tham nhũng - suy thoái của bộ máy, xâm phạm cơ sở chính trị của Đảng, lợi ích nhóm, bị cô lập trên trường quốc tế...
PGS. TS Trần Đình Huỳnh phân tích hai nguy cơ lớnNguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, PGS. TS Trần Đình Huỳnh lại nhìn nhận, nguy cơ của Đảng cầm quyền có thể “chẻ” ra nhiều, nhưng nguy cơ lớn nhất là quyết sách chính trị sai lầm mà nói theo cụ Hồ, quyết sách chính trị là trí khôn của Đảng. “Đảng dù có đông bao nhiêu, dù gồm toàn những người tài giỏi, tuy vậy trong dân chúng có nhiều tầng, người ta rất khôn ngoan mà việc nước không phải của riêng Đảng nên phải khơi dậy trí khôn của xã hội”, PGS Huỳnh phân tích.
“Ở bất cứ nước nào, giai cấp cầm quyền lúc lên cũng nói là vì dân nhưng quan trọng là có làm không. Nếu chúng ta không làm, quần chúng coi chúng ta là những người đứng đắn hay là những người lừa phỉnh? ” - PGS. TS Trần Đình Huỳnh. |
Theo PGS Huỳnh, việc trọng dụng nhân tài đất nước còn có những vấn đề, trọng và dụng đôi khi bị tách ra làm hai. Một số được dụng nhưng không đáng trọng, một số đáng trọng nhưng không sử dụng được.
Nguy cơ thứ hai PGS Huỳnh đề cập đến là nội xâm lũng đoạn. Theo đó, các nhà lý luận Cộng sản tiền bối đã đúc kết, “không phải kẻ nào lật các bạn mà là chính các bạn”. “Ở đâu đó nói Đảng ta như bình hoa đẹp, cắm toàn những bông hoa đảng viên, kẻ tham nhũng như con chuột chạy vào bình và ta phải né nếu không vỡ mất cái bình. Cách ví von đó, tôi cho là sai. Khi Bác Hồ lập Chính phủ liên hiệp năm 1945 – 1946 đã cho cả người của Quốc dân đảng vào để giữ cái bình khỏi vỡ... Cho nên điều lo ngại là cái bông hoa bị tha hóa, con chuột chính là bên trong chúng ta”, PGS Huỳnh bày tỏ.
Các cụ lo chứng nào tật ấy
Theo PGS. TS Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam, xét đến cùng, mức độ trong sạch của đội ngũ cán bộ, sự đồng thuận của xã hội là tấm gương phản chiếu sự lãnh đạo của Đảng.
Cho rằng công tác cán bộ đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, nhưng ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng đặt ra nhiều vấn đề. “Trong Đảng cũng còn có những kêu ca, dân chưa đồng tình. Có những nơi đánh giá cán bộ chưa đúng, chưa trúng, cán bộ ngồi nhầm chỗ làm nản lòng người dân”, ông Lâm phân tích.
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Ngọc Lâm: Có nơi cán bộ 3 - 4 điểm vẫn được đề bạtTheo Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ai có năng lực, uy tín, cán bộ bên dưới nhìn rõ, nên nếu đề bạt cán bộ 9 điểm, bên dưới đồng lòng, ủng hộ, nhưng “buồn thay”, có nơi cán bộ 3 – 4 điểm vẫn được đề bạt.
Người đứng đầu có vai trò đề xuất, kiến nghị nếu đúng, khách quan thì tập thể ủng hộ, còn nếu đề bạt không đúng thì bên dưới không ủng hộ hoặc có bỏ phiếu tán thành 100% nhưng ra ngoài lại... “xì xào”.
Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về tự phê bình và phê bình vừa rồi ông Lâm cho rằng, đã thành công, nhưng người dân đòi hỏi nhiều hơn nữa... Đại biểu này dẫn ra câu đúc kết của người dân ở một nơi tại Nghệ An mà ông trực tiếp nghe: “Dân bảo có, kiểm điểm nói không, tuyên giáo vừa không vừa có, kiểm tra nói không có chứng cứ, dân vận bảo rất ổn định tình hình..., các cụ lo chứng nào tật ấy”.
Triển khai nghị quyết Trung ương 4 chưa như một cuộc chiến đấu bảo vệ chế độ, hiệu quả chưa cao là đánh giá của PGS. TS Phạm Xuân Hằng. “Tại sao 5 ngàn đảng viên lãnh đạo thành công cách mạng tháng Tám? Thành công vì sự đoàn kết, thống nhất, nhưng hôm nay có nhóm lợi ích, làm mất đoàn kết, giảm sức chiến đấu của Đảng”, ông Hằng phân tích.
Một vấn đề khác cũng được vị Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc nêu lên, bộ máy Đảng đang song song tồn tại bộ máy Nhà nước - như quyền lực chính trị và pháp lý, gây gánh nặng ngân sách. Cần cải tạo bộ máy Đảng gọn nhẹ, hiệu quả hơn.
“Trách nhiệm những người đứng đầu các cơ quan nhà nước phải được thể chế hóa, đảng viên tham gia cầm quyền chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và đó là trách nhiệm pháp lý chứ không phải chung chung”, PGS Hằng kết lại.
Cấn Cường