1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lớp học đặc biệt của mẹ Phúc

Dân trí

(Dân trí) - Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em khuyết tật Hà Nội do bà Phan Thị Phúc (82 tuổi) sáng lập hoạt động vào ngày chủ nhật mỗi tuần, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu X1, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.

Lớp học đặc biệt của mẹ Phúc - 1

Bà Phan Thị Phúc bên những đứa trẻ khuyết tật tại CLB Văn Nghệ Trẻ em khuyết tật Hà Nội (Ảnh: Lê Thúy Huyền).

Mẹ Phúc

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, bà Phan Thị Phúc về làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ. Trong một chuyến công tác, làm việc chung với những khán giả trẻ, bà phát hiện một nhóm trẻ em khuyết tật có niềm yêu thích với nghệ thuật nhưng không có điều kiện và cũng không có nơi nào sinh hoạt.

Lúc đấy, bà Phúc bắt đầu nảy ra suy nghĩ muốn giúp đỡ các em khuyết tật. Năm 1990, khi Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em tại Việt Nam được phê chuẩn, bà Phúc quyết định hiện thực hóa ý tưởng của mình. Vài năm sau, CLB Văn nghệ Trẻ em khuyết tật Hà Nội ra đời.

Khi CLB bắt đầu hoạt động, bà Phúc gặp không ít khó khăn. "Việc chỉ bảo, dạy dỗ các em rất khó vì tính tự ti nặng lắm. Trẻ khiếm thị thì nghĩ mình chả làm được gì, người khiếm thính thì ú ớ muốn làm nhưng mà chưa biết cách để giao lưu trao đổi", bà Phúc nhớ lại.

Lớp học đặc biệt của mẹ Phúc - 2

Bà Phúc tận tình chỉ dạy từng chút một cho trẻ khuyết tật (Ảnh: Lê Thúy Huyền).

Nhưng bằng tình thương với những đứa trẻ khuyết tật, bà Phúc đã tự học cách để có thể giao tiếp, đồng cảm với các em. Bà học chữ nổi braille, học cách tiếp cận, trao đổi để giúp các em hòa đồng với mọi người,… Bà hiểu rằng chỉ có sự thấu hiểu và tình yêu bao la mới có thể tiếp cận những con người đặc biệt này một cách dễ dàng nhất. Và bà được những học trò đặc biệt gọi bằng cái tên trìu mến, thân thương: "Mẹ Phúc".

Chị Nguyễn Thị Ngọc (38 tuổi) là người theo học với bà Phúc lâu nhất ở CLB, chia sẻ: "Mẹ Phúc là một người rất tốt, luôn giúp đỡ em. Mẹ lúc nào cũng thương các con ở đây nên ai cũng yêu thương mẹ Phúc lắm".

"Tôi không nhớ từ đâu, từ bao giờ, nhưng khi nghe các con gọi "mẹ" tôi xúc động lắm. Tôi nghĩ chữ "mẹ" nó trân quý biết nhường nào. Tôi luôn đối xử với các con như con đẻ của mình", bà Phúc nghẹn ngào tâm sự.

Nỗi sợ lớn nhất là không thể sống mãi cùng các con

Đã thành lệ, cứ vào chủ nhật hàng tuần, Nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu X1 (Láng Hạ) của người mẹ 82 tuổi lại tràn ngập tiếng nói cười.

Những đứa trẻ kém may mắn được phụ huynh gửi gắm đến lớp học để giúp các em có cơ hội học hỏi và hòa nhập với mọi người. Không phân biệt tuổi tác, ai cũng có thể đến đây để học, giao lưu với bạn bè cùng hoàn cảnh.

"Chúng tôi dạy hát, dạy múa, dạy chữ, dạy văn hóa cho các con để tăng sự tự tin và để thấy mình cũng như bao người bình thường khác. Ở đây các em được đối xử bình đẳng, không ai coi thường ai", bà Phúc chia sẻ.

Lớp học đặc biệt của mẹ Phúc - 3

CLB Văn nghệ Trẻ em khuyết tật Hà Nội đang có 35 người khuyết tật sinh hoạt hàng tuần (Ảnh: Lê Thúy Huyền).

Để lớp học luôn tràn đầy hạnh phúc, trẻ em khuyết tật được chăm lo chu đáo nhất có thể, bà Phúc phải tự mình xoay xở, tìm kiếm trợ giúp của nhiều nhà hảo tâm.

"Các em tới đây học không phải đóng tiền; phụ huynh nào có thì mới đóng, tối đa là 200.000 đồng", bà Phúc kể.

Hơn 28 năm qua, hàng trăm đứa trẻ đã đến học, sinh hoạt ở CLB rồi khôn lớn, trưởng thành, nhưng bà Phúc vẫn ở đó, miệt mài gắn bó với tình yêu thương bao la.

Bà đã mời những người bạn, đồng nghiệp cũ của mình đến CLB mỗi tuần. "May mắn cho tôi là đã được những tấm lòng nhân hậu của rất nhiều bạn bè trong từng công việc khác nhau đến CLB giúp sức, mỗi người một tay để duy trì lớp học này", bà Phúc tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hồng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang dạy múa cho các em tại CLB, vẫn nhớ như in lần đầu tiên nhận lời mời của bà Phúc: "Khi thấy những đứa trẻ ở CLB tôi đã cảm thấy rất thương. Lúc đấy trong mình cảm thấy cần phải đến với các con nhiều hơn nữa".

"Nỗi sợ" lớn nhất của bà Phúc là không thể đồng hành mãi với những "đứa con" thiệt thòi này.

"Tôi cũng chả biết sẽ theo được các con đến khi nào. Tôi đã động viên nhiều người làm thay công việc của mình nhưng chưa có ai nhận. Có người chỉ có tiền ủng hộ nhưng lại không biết dạy các con; có người dạy được nhưng không có sự kiên nhẫn với những trẻ em đặc biệt như thế này. Tôi rất sợ một ngày nào đó sẽ không thể tiếp tục đồng hành cùng các con, cho nên tôi rất giữ gìn sức khỏe", bà Phúc rưng rưng nói.

Lớp học đặc biệt của mẹ Phúc - 4

Bà Phúc luôn chăm chú theo sát, dạy bảo những đứa con đặc biệt của mình (Ảnh: Lê Thúy Huyền).

Tấm lòng hơn 28 năm qua của bà Phúc được nhiều người cảm phục. "Tôi biết về CLB của bà Phúc lâu rồi. Bà ấy là người hiền lành, tài năng và có tấm lòng nhân hậu. Bà đã dành những năm còn lại của cuộc đời để giúp đỡ những mảnh đời trẻ khuyết tật", ông Nguyễn Trung - Chủ tịch hội Người khuyết tật quận Đống Đa - đánh giá.

Lê Thúy Huyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm