Lợi nhuận và mạng người

Cách đây hơn 5 năm, cả nước ta chấn động khi nghe tin vào ngày 15.12.2007 tại mỏ đá 03 Bản Vẽ (phía tây Nghệ An) đang khai thác thì bị sập núi, khiến 18 người tử nạn.

 

Tai nạn lao động ngày càng có chiều hướng gia tăng (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn

Tai nạn lao động ngày càng có chiều hướng gia tăng (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn

 

Tai nạn lao động (TNLĐ) ở nước ta thì nhiều và dường như ngày nào cũng xảy ra. Điều đau xót hơn là gần như tai nạn nào cũng có sự thiệt hại về người - bên cạnh sự mất mát về tài sản. Nhưng tai nạn ở mỏ đá Bản Vẽ tạo ra tác động lớn về dư luận, tâm lý xã hội vì số lượng người chết quá lớn bởi sự vô trách nhiệm trong việc quản lý an toàn cho người lao động.

 

18 người chết trong vụ TNLĐ Bản Vẽ tưởng như đã đạt kỷ lục về sự thiệt hại về người, không ngờ ngày 12.10.2013 vừa qua, vụ nổ tại Nhà máy Z121 thuộc “Xí nghiệp thuốc nổ - pháo hoa” (Phú Thọ) đã vượt qua kỷ lục khủng khiếp xảy ra tại mỏ đá Bản Vẽ. Theo như kết luận ban đầu của cơ quan quản lý cơ sở là “do thuốc pháo hoa tự nổ”. Vụ nổ đã làm cho ngoài sự thiệt hại về tài sản lớn còn có 26 người thiệt mạng (trong đó đa phần là công nhân nhà máy), hơn 200 trường hợp cấp cứu.

 

Có lẽ so với các quốc gia đang ở nhiều hình thái phát triển kinh tế khác nhau thì Việt Nam là quốc gia gần như đứng hàng đầu về TNLĐ và đáng lo ngại hơn là năm sau luôn luôn tăng hơn năm trước, với những vụ trầm trọng hơn về sự mất mát cả về người và của. Ông Nguyễn Anh Thơ - Cục phó Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB-XH) - cho biết, mỗi năm nước ta có từ 160-170 nghìn người bị TNLĐ… Năm 2012, có tới 6.777 vụ - tăng 881 vụ so với 2011, làm chết 606 người - tăng 48 người so với năm 2011, số người bị thương là 6.361. Số vụ TNLĐ có người chết tăng 48 vụ, số ngày nghỉ do TNLĐ lên đến 85.600 ngày, thiệt hại tài sản là 82 tỉ đồng không kể tiền đền bù cho gia đình người xấu số.

 

Cũng theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH thì có 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu số TNLĐ. Hầu hết các thành phố, tỉnh này là những địa phương có nhiều cơ sở công nghiệp, xây dựng. Đó là TPHCM, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Bình Thuận. Đối tượng xảy ra TNLĐ thuộc các lĩnh vực lao động đơn giản trong khai thác mỏ, xây dựng, gia công kim loại, thợ cơ khí…

 

Một số vụ TNLĐ trầm trọng nhất phải kể đến vụ công nhân bị nhiễm khí độc hầm lò của Công ty cổ phần Sinh Phát Lộc ở Nho Quan, Ninh Bình, xảy ra vào ngày 29.4.2012 đã làm 4 công nhân thiệt mạng. Vụ đá sạt lở xảy ra vào ngày 21.5.2012 của Công ty Hoàng An ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng làm chết 3 người.

 

Năm 2013, mới chỉ thống kê tới 6 tháng đầu năm, đã thấy số TNLĐ tăng vọt. Cả nước có tới 3.322 vụ, tăng 262 vụ so với cùng kỳ. Trong đó vụ tai nạn làm chết người tăng 49 vụ làm chết 323 người - tăng 44 người so với cùng kỳ năm ngoái. Số người bị thương nặng lên đến 759 người. Riêng số vụ nổ trong sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2013 lên đến 1.400 vụ, làm chết 20 người, bị thương 50 người, thiệt hại kinh tế là 579,8 tỉ…

 

Ngày 6.8.2013, tại Nhà máy ximăng Đồng Lâm (Phong Điền - Huế) xảy ra tai nạn làm chết 3 công nhân; ngày 3.9, mái nhà Chi cục Thuế huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã bị sụp trong lúc đổ bêtông làm 2 công nhân tử vong, 2 người bị thương nặng. Ngày 4.9.2013, tại Nhà máy tinh luyện dầu cá Công ty IDI (Lấp Vò - Đồng Tháp) 6 công nhân tử nạn trong khi thực thi quy trình sản  xuất…

 

Chỉ nhìn qua những con số về TNLĐ trong thời gian gần đây mới thấy bên cạnh việc mất an toàn thực phẩm ngày càng tăng trong các khu công nghiệp khiến hàng trăm công nhân nhập viện thì sự gia tăng TNLĐ trong thời gian này đã trở thành tình trạng khẩn cấp, nếu không khắc phục chẳng những sẽ thiệt hại về kinh tế, đình trệ sản xuất, rối loạn trật tự xã hội mà còn làm cho niềm tin của người công nhân, người lao động suy giảm đối với doanh nghiệp.

 

Nhưng vì sao TNLĐ ở nước ta lại có chiều hướng ngày một gia tăng như thế?

 

Công bằng mà nói, Nhà nước đã từ lâu đã có những chính sách để ngăn ngừa TNLĐ, bảo vệ an toàn cho người công nhân trong khi sản xuất. Không chỉ hằng năm đều có những ngày dành cho ATLĐ, phòng, chống cháy chống nổ mà nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ đã được ban hành để buộc các doanh nghiệp thực hiện việc bảo vệ người lao động trong quá trình sản xuất. Tiêu biểu cho chủ trương này phải kể đến Nghị định 06/CP ra ngày 20.1.1995 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký.

 

Hiện nay bên cạnh doanh nghiệp nhà nước còn có các loại hình doanh nghiệp khác như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất cá thể cùng với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Nhưng việc thực hiện các chính sách về ATLĐ do Nhà nước ban hành của các loại hình doanh nghiệp đối với người lao động lại là một thực trạng hỗn tạp, bùng nhùng mà sự thiệt hại đều đổ dồn về người lao động. Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục ATLĐ, Bộ LĐ-TB-XH - cho biết: “Hiện nay, quy phạm pháp luật về ATLĐ khá đầy đủ. Tiếc là thanh tra, kiểm tra xử lý của cơ quan nhà nước không triệt để, người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc. Tình hình TNLĐ, trốn báo cáo TNLĐ tăng, trong đó 95% trong số các doanh nghiệp mắc khuyết điểm này là 19.300 doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

 

 Kể từ khi nền kinh tế nước ta được xác định là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mục tiêu của doanh nghiệp các loại đều có khuynh hướng bằng mọi cách để có được năng suất cao. Trong đó biện pháp phổ biến là tiết kiệm chi phí tối đa để đạt lợi nhuận cao. Với các mục tiêu này nên người lao động trở thành đối tượng bị khai thác nhiều nhất. Ngoài những biện pháp quản lý thì các doanh nghiệp thường không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về ATLĐ. Các doanh nghiệp đã trốn tránh việc mua các thiết bị ATLĐ cho người lao động, nhiều doanh nghiệp còn không có bộ máy giám sát người lao động tuân thủ các quy định ATLĐ, trong khi hầu hết người lao động phổ thông đều không nắm được quy định về ATLĐ.

 

Còn các cơ quan chức năng thì xem nhẹ, hay nói đúng hơn là bỏ qua việc kiểm tra quy trình tôn trọng ATLĐ trong sản xuất. Không ít doanh nghiệp có đến hàng chục năm không có thanh tra ATLĐ đến làm việc. Điểm qua tình hình như vậy để thấy, lợi nhuận trong sản xuất ở các doanh nghiệp được đề cao, nhất là trong thời kỳ nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn nên việc đảm bảo ATLĐ cho người lao động đã bị bỏ qua, coi thường khiến người lao động luôn luôn bị đặt trước tình trạng gặp nguy hiểm, rủi ro trong dây chuyền sản xuất.

 

Có lẽ do nhìn thấy sự bất an của người lao động ngày càng gia tăng nên ngày 18.9.2013, Ban Bí Thư TƯ Đảng đã ban hành Chỉ thị  29-CT/TƯ về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh LĐ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế…

 

Hy vọng chỉ thị này sớm đi vào  cuộc sống, phát huy được hiệu lực nhất ở các doanh nghiệp để người lao động khỏi bất an mỗi khi bước vào sản xuất, để tình trạng mất ATLĐ ngày càng giảm. Đây cũng chính là mục tiêu để đảm bảo an sinh xã hội.

 

Theo Nguyễn Hiếu
 Lao Động