Lợi ích cho TPHCM từ cảng biển 5,4 tỷ USD ở Cần Giờ
(Dân trí) - Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ góp phần phát triển hệ thống cảng biển TPHCM và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TPHCM về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ). Trước đó, Sở này được UBND TP giao nhiệm vụ lập đề án.
Trong đề án, tổ công tác Sở GTVT chỉ ra tác động tích cực của cảng Cần Giờ đối với hệ thống cảng biển Việt Nam, đặc biệt là hệ thống cảng biển TPHCM.
Cảng biển TPHCM có sản lượng khai thác đạt 164 triệu tấn (chiếm 55,1% nhóm cảng biển vùng Đông Nam Bộ), trong đó, hàng container đạt 8,2 triệu Teus, tăng trưởng bình quân trên 9,3%/năm giai đoạn 2015-2022.
Trong đó, riêng lượng hàng hóa thông qua khu cảng Cần Giờ, nhìn vào dự báo sơ bộ đến năm 2030 sẽ là 4,8 triệu Teus (chiếm hơn nửa số lượng hàng của toàn bộ hệ thống cảng biển TPHCM hiện nay), đến năm 2047 là 16,9 triệu Teus.
Bên cạnh đó, theo rà soát, hiện các bến container tại khu vực cảng biển TPHCM (nằm sâu trong khu vực trung tâm thành phố) đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, công suất khai thác năm 2022 trở nên quá tải so với quy hoạch.
Vì thế, việc bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết để hỗ trợ, giảm tải cho các cảng biển khác của TPHCM.
Đặc trưng của cảng trung chuyển quốc tế là nơi chuyển tiếp container từ các tàu thu gom vận hành trên các tuyến biển gần (tuyến nhánh), chuyển lên các tàu lớn (tàu mẹ) để đi các tuyến vận tải quốc tế.
Khu vực cảng Cần Giờ nằm trên tuyến hàng hải quốc tế có thể đáp ứng cho tàu có trọng tải 250.000DWT (24.000 Teus) như các tuyến ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.
Đơn vị lập đề án nghiên cứu, nếu hình thành Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đội tàu Việt Nam có thể tham gia thực hiện các dịch vụ gom hàng, phân phối hàng hóa tại cảng.
Vùng hấp dẫn trực tiếp của cảng Cần Giờ đến từ nguồn hàng quốc tế tại các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Nam Trung Quốc...
Ngoài ra, tổ công tác dự tính, cảng Cần Giờ sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...
Giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng có thể đóng góp cho ngân sách nhà nước 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm.
Cảng Cần Giờ nằm trong danh sách đề án chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị, do UBND TPHCM chủ trì thực hiện và trình Thủ tướng trong năm 2023.
Để lập đề án, tổ công tác Sở GTVT TPHCM đã lấy ý kiến góp ý của các sở ngành và đơn vị liên quan, tổ chức đi nghiên cứu thực tế, trao đổi kinh nghiệm về các cảng trung chuyển quốc tế khác.
Đơn vị tư vấn lập đề án đã thu thập tài liệu, số liệu, tổ chức khảo sát địa hình, địa chất, thủy hải văn cũng như tính toán, mô phỏng, đánh giá các khả năng đáp ứng luồng hàng hải, tác động môi trường trong quá trình xây dựng và khai thác cảng, dự báo luồng hàng hóa, mức độ hấp dẫn tiềm năng của cảng.
Theo danh sách của Cục Hàng hải Việt Nam, TPHCM hiện có 43 cảng biển với 13,42km cầu cảng. Quy hoạch đến năm 2030 thành phố sẽ có 48 cảng với tổng chiều dài 18,33km cầu cảng.
Khu vực cảng biển TPHCM gồm các cảng tại: khu bến Cát Lái - Phú Hữu (trên sông Đồng Nai), khu bến Hiệp Phước (sông Soài Rạp), khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Nhà Bè, các bến cảng ở huyện Cần Giờ.