Cán bộ Cục Đăng kiểm câu kết tham ô nên không thể "lấy đá ghè chân mình"

Hoài Thu Hà Mỹ

(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT khẳng định trong câu chuyện sai phạm đăng kiểm có tham ô, câu kết, có trách nhiệm và vấn đề đạo đức của các bộ phận từ lãnh đạo cấp phòng đến lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Sáng 8/6, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng tiếp tục phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông.

Ông Thắng có hơn một tiếng để tiếp tục đăng đàn. "Chia lửa" với Tư lệnh ngành giao thông còn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Trước khi kết thúc phiên chất vấn chiều 7/6, 5 đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Thắng và 3 đại biểu khác tranh luận với Bộ trưởng.

Trong 4 thành viên Chính phủ đăng đàn tại kỳ họp này, ông Thắng là người nhận được số lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn nhiều nhất với hơn 100 đại biểu.

Phiên đăng đàn của Tư lệnh ngành giao thông cũng rất sôi động khi từ phía dưới nghị trường, các tấm biển tranh luận liên tục được giơ lên.

Cán bộ Cục Đăng kiểm câu kết tham ô nên không thể lấy đá ghè chân mình - 1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 7/6 (Ảnh: Phạm Thắng).

Trước đó, cuối giờ chiều 7/6, đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) nêu tuyến quốc lộ 27 là đường giao thông trọng yếu, có tính chất liên vùng, cần ưu tiên nhưng đầu tư từ năm 2008, đến nay là 15 năm nhưng còn 20km chưa đầu tư do thiếu vốn. Ông hỏi Bộ trưởng khi nào hoàn thành tuyến đường này?

Đại biểu cũng nhắc tuyến đường tránh thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng khởi công từ năm 2017 với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng, hoàn thành 70% khối lượng nhưng do vướng mắc nguồn vốn sau 6 năm thì vẫn chưa hoàn thiện. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về giải pháp hoàn thành để tránh lãng phí đầu tư công.

Dẫn phản ánh của cử tri và doanh nghiệp về việc tiếp cận nguồn vật liệu làm cao tốc rất khó khăn, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng GTVT về những nút thắt của tình trạng này và giải pháp trong thời gian tới, để hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đúng hạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nhận định việc đầu tư, khai thác sử dụng vận tải biển chưa xứng tầm với lợi thế vốn có. Bà hỏi Bộ trưởng giải pháp để phát huy hơn nữa phương thức vận tài này để tạo động lực cho các tỉnh, thành có biển.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) muốn nghe lời cam kết về tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Ngoài ra, nữ đại biểu chất vấn Bộ trưởng giải pháp kiểm soát tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các yêu cầu về điều kiện kinh doanh, để tránh dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn Tư lệnh ngành giao thông về lộ trình, giải pháp thực hiện nạo vét thông luồng kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, do hơn 1 năm qua gặp nhiều vướng mắc.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nhắc đến việc chi phí logistics hiện nay rất cao, dù Bộ trưởng nói đã giảm. Theo ông, muốn giảm gánh nặng này phải làm quyết liệt từng khâu một.

"Những vấn đề dù rất nhỏ, nếu lưu tâm đều có thể tìm ra cách tốt hơn, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Ví dụ, số lần cất cánh - hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sửa chữa lại ít hơn trước khi sửa. Trước khi sửa trung bình một giờ có thể có 44-46 lần cất hạ cánh, hiện nay giảm chỉ còn 40-42 lần.

Chúng ta bỏ ra mấy nghìn tỷ để nâng cấp đường băng mà số lượng cất, hạ cánh lại giảm đi. Đấy là một sự điều tiết không đúng", ông Hiếu đề nghị Bộ trưởng lưu ý hơn trong việc giảm chi phí logistics cho Việt Nam.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) tranh luận cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chưa làm rõ về sự chậm trễ của Bộ GTVT trong việc đưa ra phương án ứng phó, thay thế trước khi để xảy ra tình huống tạm dừng hoạt động và thiếu hụt nhân lực đăng kiểm.

"Xử lý sai phạm trong hoạt động đăng kiểm là hoàn toàn đúng đắn nhưng không phải là một sự cố bất thường, thiên tai, thảm họa, mà có sự chủ động của các cơ quan hữu quan", theo lý giải của đại biểu.

Dù trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT đề cập khá nhiều đến các dự án BOT, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) muốn biết với các dự án BOT dừng thu phí trong khi chờ Bộ GTVT xác lập tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nếu đường đi và tuyến quốc lộ ấy xuống cấp thì ai chịu trách nhiệm duy tu, bảo quản và đảm bảo an toàn giao thông?

Bà cũng chuyển lời cử tri mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin khi nào khởi công dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo để giao thông giữa đảo với đất liền được thuận lợi hơn.