1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Loạn” dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” ở Hà Nội

Gần đây, dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” đã và đang trở nên nở rộ. Chỉ cần dạo quanh một số tuyến phố thuộc khu vực nội đô TP Hà Nội, dễ dàng bắt gặp các tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền mà không cần thế chấp tài sản có giá trị.

Với dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” - người đi vay tiền chỉ cần cung cấp địa chỉ, sổ hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân sẽ được chủ dịch vụ cho vay tiền. “Cho vay tiền từ 10 triệu đồng trở lên. Người vay chỉ cần có sổ hộ khẩu thường trú”, “Cơ sở X chuyên cho vay vốn đối với người có nhu cầu trên địa bàn thành phố” v.v... những lời quảng cáo này đang được các chủ dịch vụ cho vay tiền dán trên nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội.

Trên tuyến phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa – Hà Nội), chúng tôi thấy tờ quảng cáo được dán trên cột điện có nội dung: “Cho vay tiền từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng”. Chủ nhân dịch vụ có số điện thoại 0125.965.8xxx cho biết, để vay được khoản tiền trên, người có nhu cầu phải có sổ hộ khẩu cùng chứng minh nhân dân và địa chỉ cụ thể thay vì thế chấp tài sản có giá trị.

Đọc xong nội dung quảng cáo của tờ rơi, cu cậu có khuôn mặt phờ phạc liền nhấc máy gọi điện thoại cho chủ dịch vụ. Qua điện thoại, địa chỉ giao dịch, thống nhất tiền lãi được thực hiện chớp nhoáng. Chứng kiến hình ảnh này, chúng tôi thấy dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” này đang có sức hút đối với một bộ phận không nhỏ dân chơi. Chúng tôi liên hệ với chủ dịch vụ cho vay đăng quảng cáo trên đường Lê Văn Lương. Theo hướng dẫn của anh chủ này, chúng tôi tìm đến nơi mà theo như anh chủ giới thiệu là “trụ sở của Công ty”.

Nhan nhản tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền theo kiểu tín chấp.
Nhan nhản tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền theo kiểu "tín chấp".

"Trụ sở” này thực chất là một gian phòng được thuê lại của hộ gia đình cư trú trong con ngõ nằm trên đường Láng. Không biển hiệu, không nhân viên văn thư thay vào đó là sự xuất hiện của 4-5 thanh niên mặt mũi bặm trợn. Thấy tôi đến, anh chủ xưng là “giám đốc” của công ty có tên Minh với hình xăm vằn vện trên cánh tay giới thiệu khá kĩ về dịch vụ cho vay tiền theo kiểu “tín chấp” mà cơ sở mình cung cấp. Theo đó người vay tiền bắt buộc phải đặt lại sổ hộ khẩu cùng giấy chứng minh thư phô tô.

Đáng chú ý, người vay tiền phải có sổ hộ khẩu thường trú ở Hà Nội, nếu không có thì việc vay tiền sẽ không được tiến hành. Không có sổ hộ khẩu thường trú ở Hà Nội, sẽ không được vay tiền – đây cũng chính là một trong những nguyên tắc mà nhiều chủ cung cấp dịch vụ cho vay tiền theo kiểu “tín chấp” trên địa bàn thành phố đang thực hiện.

Không riêng gì cầm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, nhiều chủ dịch vụ cho vay “tín chấp” hiện nay còn cung cấp thêm dịch vụ cầm cố đăng ký xe. Đây là loại hình cầm cố khá mới mẻ bởi nhiều người vẫn cho rằng đăng ký xe thông thường chỉ có công dụng chứng thực phương tiện xe máy, ôtô thuộc quyền sở hữu của mình chứ không thể trở thành “công cụ” để vay tiền.

Theo Phạm Anh, 32 tuổi – một dân chơi ở Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết thì việc cho vay tiền thông qua “cầm cố” đăng ký xe máy, ôtô nhằm mục đích mở rộng hơn “thị trường” cho vay tiền của các cơ sở hiện nay. Thông thường, mỗi một giấy đăng ký xe máy thường cầm được với giá 5-7 triệu đồng, thậm chí lên đến cả chục triệu đồng đối với dòng xe máy đắt tiền, hoặc vài trăm triệu đồng đối với ôtô.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, để “né” lực lượng chức năng, chủ các cơ sở cung cấp dịch vụ cầm cố giấy đăng ký xe thường đưa ra 3 loại “hợp đồng”, giấy tờ để người có nhu cầu vay tiền ký xác nhận gồm: bản hợp đồng vay tiền, giấy bán xe và hợp đồng cho thuê xe. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sau khi cầm giấy tờ xe, chủ phương tiện đã tạm thời nhượng lại xe cho người khác. Và nếu đến kỳ không trả tiền gốc lẫn lãi, chủ cung cấp dịch vụ sẽ tiến hành “xiết” tài sản - phương tiện.

Trở lại dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” hiện nay, tiếp xúc với nhiều chủ dịch vụ dạng này, chúng tôi được hay, bên cạnh việc núp bóng các cơ sở cầm đồ, một số chủ dịch vụ còn thuê cửa hàng mua bán điện thoại di động, đồ gia dụng nhỏ lẻ để hoạt động. Song song với đó, nhằm hút người có nhu cầu vay tìm đến, chủ một số cơ sở còn sử dụng các diễn đàn, trang mạng xã hội để quảng cáo dịch vụ cho vay tiền của mình.

Về vấn đề trên, Luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật số 5 – Quốc gia cho rằng, trước tình trạng bát nháo cho vay theo kiểu “tín chấp” hiện nay, người dân cần cẩn trọng trước những hệ lụy đi kèm. Bởi trên thực tế thời gian qua cũng đã xuất hiện nhiều vụ việc các cơ sở cho vay theo kiểu “tín chấp” lấy lãi suất cao. Khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, người vay tiền không có khả năng chi trả, nhiều chủ dịch vụ sẵn sàng “cử” người tìm đến nơi ở, nơi công tác khủng bố tinh thần, ném bom bẩn uy hiếp, thậm chí còn bắt giữ người trái pháp luật nhằm buộc người vay tiền phải trả cả gốc lẫn lãi.

Chưa hết, đối với các trường hợp cầm cố giấy tờ, trong đời sống thường nhật khi xảy ra sự kiện pháp lý: tai nạn giao thông, tranh chấp nhà ở v.v... người cầm cố giấy tờ rất dễ gặp phải những rủi ro không đáng có. Bên cạnh đó, không chỉ người vay tiền, đối với các trường hợp cho vay theo kiểu “tín chấp” nếu lấy lãi suất cao, quá mức quy định của pháp luật cũng rất dễ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, để ngăn chặn những nguy cơ đi kèm phát sinh, các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa công tác quản lý đối với loại hình cho vay “tín chấp” đang có chiều hướng bát nháo như hiện nay.

Điều 163 - Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Trần Huy

CAND