1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lên kế hoạch tiếp nhận hàng cứu trợ người dân vùng lũ Quảng Bình

Tiến Thành Dương Nguyên

(Dân trí) - Mưa đã giảm, nước rút dần, chính quyền huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đang lên kế hoạch tiếp nhận hàng hóa cứu trợ, chuyển kịp thời đến người dân vùng bị cô lập.

Sáng 29/10, theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, từ 19h ngày 28 đến sáng 29/10, lượng mưa tại Quảng Bình là 50-100mm, mực nước sông Kiến Giang đo được ở trạm Lệ Thủy trên mức báo động 3 là 1,38m.

Toàn tỉnh Quảng Bình còn hơn 32.000 hộ bị ngập lụt, riêng huyện vùng trũng Lệ Thủy có gần 20.000 nhà bị ngập, còn lại ở huyện Quảng Ninh (12.000 nhà), thành phố Đồng Hới (1.000 nhà).

Lên kế hoạch tiếp nhận hàng cứu trợ người dân vùng lũ Quảng Bình - 1

Toàn tỉnh Quảng Bình còn hơn 32.000 hộ bị ngập lụt (Ảnh: Tiến Thành).

Ngoài ra, vẫn còn 58 thôn bản bị chia cắt, chủ yếu ở các xã Lâm Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) và các xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh).

Tính đến sáng 29/10, tỉnh Quảng Bình đã di dời 1.249 hộ (3.681 nhân khẩu) đến nơi an toàn; sơ tán tại chỗ 9.123 hộ.

Toàn tỉnh này ghi nhận 1 người tử vong, 3 người mất tích do nước cuốn trôi.

Lên kế hoạch tiếp nhận hàng cứu trợ người dân vùng lũ Quảng Bình - 2

Lực lượng chức năng tiếp cận vùng ngập lụt để hỗ trợ người dân (Ảnh: Tiến Thành).

Mưa lũ còn gây thiệt hại 300ha hoa màu; 4.000 con gia cầm; 310ha nuôi trồng thủy sản; 3 tàu cá bị chìm; 76 điểm giao thông bị ngập; sạt lở 1,5km kè biển…

Đến 11h cùng ngày, lượng mưa trên địa bàn đã ngớt, nước rút chậm. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương tại tỉnh Quảng Bình, đặc biệt tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã triển khai lực lượng, phương tiện về vùng ngập sâu để ứng cứu người dân.

Lên kế hoạch tiếp nhận hàng cứu trợ người dân vùng lũ Quảng Bình - 3

Mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã ngớt, nước rút chậm (Ảnh: Tiến Thành).

Lực lượng chức năng đã huy động 11 xuồng, ca nô, phương tiện vận tải cùng 500 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện và dân quân cơ động phối hợp di dời dân.

Lực lượng Bộ đội biên phòng đã xuất ca nô tại các đồn ven biển vào ứng cứu người dân các xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy.

Trong thời điểm gió lặng, nước rút dần, chính quyền huyện Lệ Thủy đang lên kế hoạch tiếp nhận hàng hóa cứu trợ, chuyển kịp thời đến người dân vùng bị cô lập.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch huyện Lệ Thủy cho hay, địa phương sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ ở ngã ba xã Cam Thủy và xã Mai Thủy, trên quốc lộ 1A. Hàng cứu trợ sẽ được địa phương vận chuyển bằng ca nô, thuyền chuyên dụng vào các vùng ngập sâu.

Theo ông Sơn, địa phương đã điều 10 chiếc ghe, thuyền của ngư dân xã Ngư Thủy Bắc để tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm.

Trước mắt, 3 ghe sẽ tham gia việc cứu hộ, chở hàng nhu yếu phẩm để tiếp tế cho người dân vùng rốn lũ. Những ngư dân có ghe tham gia chở hàng đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ trong trận lũ lịch sử năm 2020.

Mặc dù nước đã rút, tuy nhiên lũ vẫn ở mức cao, chỉ có phương tiện của các lực lượng chức năng và ghe lớn của ngư dân mới đảm bảo được an toàn khi di chuyển vào vùng lũ. Thời tiết diễn biến bất thường, nước lũ còn cao nên chính quyền đề nghị các đoàn cứu hộ không nên vào vùng rốn lũ.

Lên kế hoạch tiếp nhận hàng cứu trợ người dân vùng lũ Quảng Bình - 4

Chính quyền huyện Lệ Thủy huy động thuyền nan của ngư dân vào tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ (Ảnh: Tiến Thành).

Trước đó, do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, hàng chục ngàn căn nhà bị ngập nước, cô lập tại các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, với nghĩa tình đồng bào, nhiều đoàn từ thiện nhanh chóng có mặt tại vùng lũ lụt để tiếp tế thực phẩm cho người dân.

Trong ngày 28/10, nhiều nhóm cứu trợ, thiện nguyện từ thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác tại Quảng Bình đã đưa xuồng, ca nô, áo phao và một số nhu yếu phẩm đến huyện Lệ Thủy để giúp đỡ người dân.

Theo ông Lê Văn Sơn, một số nhóm cứu trợ đã liên hệ với chính quyền để được tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, do tình hình mưa lũ phức tạp, chính quyền đề nghị tạm dừng việc cứu hộ để đảm bảo an toàn cho các đoàn thiện nguyện; khi mực nước đảm bảo an toàn, các đoàn có thể vào để hỗ trợ người dân.

Về công tác phòng chống lũ lụt, các lực lượng chức năng phối hợp chính quyền các xã, thị trấn đang chủ động ứng phó với phương châm "4 tại chỗ", huy động lực lượng túc trực 24/24h, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.