Nhiều làng ở Quảng Bình mênh mông nước, người dân lo tái diễn lũ lịch sử
(Dân trí) - Đến tối 28/10, mực nước tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) tiếp tục lên. Người dân ở nhiều địa phương của Quảng Bình đang thấp thỏm, lo lũ lụt lịch sử tái diễn.
Tối 28/10, mặc dù mưa ngớt dần, nhưng mực nước tại các vùng trũng của huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh vẫn tiếp tục dâng cao.
Anh Lê Văn Tuần, trú xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, mặc dù trưa 28/10, nước lũ có dấu hiệu chững lại, nhưng cơn mưa diễn ra vào chiều tối cùng ngày khiến nước tiếp tục lên.
"Dù nước lên chậm, nhưng ban đêm chúng tôi rất lo, chỉ sợ lũ lụt lịch sử tái diễn. Từ hôm qua (27/10), chúng tôi đã phải kê cao đồ đạc, di chuyển lên gác, và chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đề phòng trường hợp nước ngập dài ngày", anh Tuần nói.
Theo ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy, mực nước hiện nay tại địa phương còn thấp hơn đỉnh lũ năm 2020 khoảng 0,8m. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, chính quyền xã Liên Thủy đã thực hiện phương châm "4 tại chỗ", di dời người dân vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Các hộ dân có nhà cấp 4 cũng được đưa đến các nhà cao tầng để tránh trú.
Xã An Thủy, là một trong những vùng "rốn lũ" của huyện Lệ Thủy, theo thống kê của chính quyền địa phương, đến chiều 28/10, toàn bộ nhà dân trên địa bàn xã đã ngập lụt.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy cho hay, rút kinh nghiệm của đợt lũ lịch sử năm 2020, chính quyền và người dân đã rất chủ động, sẵn sàng ứng phó với lũ lụt. Đặc biệt, trước khi nước dâng cao, người dân đã di dời tài sản đến nơi an toàn.
"Toàn xã có hơn 2.800 hộ dân, đến hết ngày 28/10 đã có 570 nhà dân bị ngập trên 1m và có hơn 2.700 hộ dân nước đã vào nhà. Địa phương đã cử cán bộ và các lực lượng công an, quân sự, dân quân túc trực, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, vật lực, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra", ông Quyết nói.
Theo thống kê, tổng số nhà bị ngập lụt tại huyện Lệ Thủy đến thời điểm hiện tại là hơn 19.100 nhà, trong đó gần 8.000 nhà ngập sâu 1m và hơn 11.500 nhà ngập dưới 1m; có 4 nhà dân ở xã Ngư Thủy Bắc bị gió giật tốc mái.
Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường vào các bản miền núi huyện Lệ Thủy, như: Tân Ly, Bạch Đàn (xã Lâm Thủy); bản Cồn Cùng, An Bai, Hà Lẹc (xã Kim Thủy) bị ngập, người, phương tiện không qua lại được.
Huyện Lệ Thủy đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện phương châm "4 tại chỗ" linh hoạt, hiệu quả; huy động lực lượng xung kích tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Trước đó, huyện Lệ Thủy đã tổ chức di dời 89 hộ, 333 khẩu ở các xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy, Thái Thủy đến nơi an toàn. Ngoài ra, tại các xã, thị trấn vùng thấp trũng đã di dời nội bộ các hộ từ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng.
Tại Quảng Bình, do nước lũ dâng cao, cô lập nhiều địa phương, một số gia đình tại huyện Lệ Thủy không may có người qua đời đành phải kê cao quan tài, tạm hoãn việc an táng chờ nước rút.
Chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến thăm hỏi, chia buồn, hỗ trợ thân nhân kê cao quan tài, lo hương khói chu đáo cho người quá cố. Khi nước lũ rút, gia đình sẽ tổ chức hậu sự và an táng người quá cố.
"Hiện nay nhà tôi nước đã lên cao hơn 1m, chỉ còn cách vạch nước lũ năm 2020 khoảng 50cm. Hy vọng trời ngớt mưa, để nước rút dần. Người dân chúng tôi lại thêm một đêm thức trắng để canh lũ", anh Ngô Mậu Tình, trú tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, chia sẻ.
Tính đến ngày 28/10, tại Quảng Bình đã có 1 người tử vong, 1 người mất tích do nước cuốn trôi. Nước lũ dâng cao, gây ngập nhiều làng mạc khiến đời sống bà con gặp nhiều khó khăn.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính đến 17h ngày 28/10, địa phương này đã có gần 30.000 nhà dân bị ngập lụt; 58 thôn, bản bị chia cắt; các tuyến đường giao thông bị ngập tại 84 điểm; sạt lở 13 điểm; 3 tàu cá bị chìm; sạt lở 1,5km kè biển…