Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 55
(Dân trí) - Ngày 24/8 (tức ngày 21/7 năm Giáp Thìn), huyện Nam Đàn (Nghệ An) tổ chức lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 55 tại Khu di tích Kim Liên, xã Kim Liên.
Lễ giỗ lần thứ 55 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại quê hương Nghệ An với sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Quân khu IV, cùng đại diện cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị và huyện Nam Đàn, xã Kim Liên.
Đông đảo nhân dân từ khắp cả nước và đại diện các dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân, dòng họ Hà cũng về dự lễ.
Lễ giỗ được tổ chức trang nghiêm theo đúng phong tục cổ truyền, nhằm tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Cách đây 55 năm, vào lúc 9h47 ngày 2/9/1969 (nhằm ngày 21/7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn dân tộc.
Lễ giỗ hàng năm là dịp để nhân dân tưởng nhớ đến Người; ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao và những cống hiến to lớn của Bác đối với đất nước, quê hương.
Đây cũng là dịp tạo thêm động lực, niềm tin và quyết tâm để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn tiếp tục nỗ lực thực hiện Di chúc và tâm nguyện thiêng liêng của Người, "đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá nhất của miền Bắc".
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sớm hấp thụ truyền thống văn hóa của dân tộc và lòng yêu nước thiết tha.
Năm 1911, khi mới 21 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, với khát vọng cháy bỏng là giành độc lập tự do cho nước, cho dân.
Mùa Xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và từng bước lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Người đã lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Theo con đường mà Người đã vạch ra, Đảng và nhân dân ta đã tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, vững bước đi lên con đường hội nhập và phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp vĩ đại mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách sáng ngời; trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, Nhân dân ta.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt 4.000 năm lịch sử. Thế giới tôn vinh Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất".