1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lật tẩy thủ đoạn “hô biến” nội tạng thối thành món đặc sản

Trong vai người mua nội tạng số lượng lớn, phóng viên đã cận cảnh chiêu thức xử lý nội tạng ươn, thối bằng hóa chất ở TPHCM. Trung bình mỗi ngày, có hàng trăm ký nội tạng bẩn được bán ra cho các nhà hàng, quán ăn cũng như các điểm bán phá lấu…

Công đoạn “giặt” nội tạng.
Công đoạn “giặt” nội tạng.

Giá mỗi kilôgram nội tạng có giá rất bèo, chỉ từ 8.000 đồng – 25.000 đồng/kg. “Rẻ như cho, mua 3kg tặng 0,5kg”, bà chủ có thân hình to béo bán nội tạng ở chợ tự phát gần cầu Rạch Đĩa 1, đường Lê Văn Lương, P.Tân Hưng, Q.7 đon đã mời khách.

Nội tạng giá bèo

Trong vai người mua nội tạng về chế biến món nhậu bán cho khách, chúng tôi người bán “cởi mở”: “Thứ này bán lời lắm, tôi có gần chục mối lấy hàng không dưới 5kg/ngày. Mua giá bèo, bán với giá cao không lời nhiều sao được?”. Chỉ tay vào từng mớ nội tạng bày trên mâm, người bán nói: “Cái này 8.000 đồng/kg, còn cái kia 15.000 đồng. Muốn ngon hơn thì mua loại 25.000 đồng/kg”.

“Rẻ thế, liệu có đảm bảo chất lượng, vệ sinh không”? - tôi hỏi. Người bán lại liếng thoắng: “Không giấu gì anh trai, nội tạng này đều là nội tạng bẩn được tuồn vào TPHCM. Để bán được lâu, mình phải ngâm hóa chất xử lý mùi rồi đem luộc, bảo đảm không có mùi hôi”.

Như để chứng minh lời mình nói, chị ta bảo tôi ngửi thử. Cái mùi ôi thiu hăng hắc khiến tôi muốn nôn ói. Viện lý do “nội tạng có mùi hôi nặng” để thoái thác, bà chủ kỳ kèo: “Anh mua nhiều không, lấy loại 25.000 đồng/kg em bớt cho anh chút đỉnh lấy hên”. Thấy vẫn không lay chuyển được tôi, bà ta ra vẻ cầu cạnh: “Em giặt kỹ rồi, chế biến xong có tí mùi là em đi bằng đầu”.

Tại khu chợ tự phát này có nhiều người bán nội tạng luộc như thế. Theo tìm hiểu của phóng viên, người bán có mối lấy hàng số lượng lớn là bà Thanh, người đầu tiên bán nội tạng tại chợ này. Hơn một giờ quan sát, phóng viên không khỏi giật mình khi thứ nguyên liệu dùng chế biến thức ăn lại được xử lý bằng cách giặt tẩy như… quần áo.

Lo ngại hơn, nội tạng được xử lý bằng loại hóa chất không rõ nguồn gốc được bán trôi nổi trên thị trường. Sáng sớm, từng bọc nilông, thùng xốp, xô… đựng nội tạng đông lạnh được chuyển đến. Việc đầu tiên của người bán sau khi chuyển hàng tới là rã đông.

Bà Thanh lấy nội tạng ra bỏ vào hai thau lớn, mở van xả nước mạnh, liên tục lên. Khi nội tạng đã rời ra, bà Thanh cho vào một cái thau khác đặt cạnh đó. Khi đã có một thau nội tạng đầy, bà Thanh rót một nắp (đựng trong chai nước xả vải) cho vào thau, dùng hai tay nhồi nội tạng. Nhồi càng lâu, bọt nhờn đặc quánh nổi lên càng nhiều.

Không chỉ nhồi, bà Thanh còn giặt nội tạng sống bằng tay, khi thì dùng bùi nhùi rửa chén để chà. Với những miếng nội tạng thâm ố chuyển màu vì đông lạnh lâu ngày, bà ta chà mạnh dưới nền gạch ngập nước thải đen ngòm. Theo tìm hiểu, loại nước đựng trong chai nước xả vải kia là hóa chất chuyên dùng để xử lý thịt động vật, gia cầm, cá… ươn thối.

“Nó có độc hại gì không”? - tôi hỏi. Bà Thanh trả lời như một chuyên gia trong ngành hóa chất: “Pha đúng liều lượng, một nắp với 5 lít nước là an toàn. Hiện nay nhiều người dùng thứ này, bán đầy ở chợ Kim Biên ấy mà”.

Khi nội tạng giặt xong, vừa bày lên sàn ngay lập tức ruồi nhặng bâu kín. Ba khoanh nhang muỗi được đốt lên để “đuổi” ruồi, khói bay nghi ngút nhưng chẳng ăn thua gì. Nội tạng các loại, từ heo, trâu, bò đến gà có tất, cần bao nhiêu cũng đáp ứng được. Qua người bán, chúng tôi được biết nguồn hàng được lái ở Q.8 cung cấp. “Tụi nó thường giao hàng vào ban đêm, không giao ở chợ”, bà Thanh nói. Bà còn cho biết, nếu sau một tuần bán không hết hàng, gọi điện họ đến lấy và cung cấp hàng mới.

Ăn thuốc độc

Với giá từ 8.000-25.000 đồng/kg nội tạng, người bán đã có lời to. Như vậy, có thể khẳng định khi mua vào với số lượng lớn, giá mỗi kg chỉ từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng. Ghé vào một hàng nội tạng cách chỗ bà Thanh bán không xa, hỏi giá một kg “thập cẩm” (gồm gan, lòng, lá mía, lá sách bò…), bà chủ vừa cầm chiếc giẻ lau cáu bẩn phe phẩy đuổi ruồi, nhặng vừa nói: “Chỉ 25.000 đồng, đảm bảo ngon, bổ và rẻ”.

Nội tạng luộc bán chung với hàng cá.
Nội tạng luộc bán chung với hàng cá.

Ngon bổ rẻ đâu chưa thấy, mà tôi đã thấy “dội ngược” khi mùi hôi của nội tạng để lâu ngày sộc thẳng vào mũi. Dù đã đi khá xa nhưng cái mùi ngai ngái khó chịu từ nội tạng hôi thiu vẫn còn “vương vấn”. Tại đây, nội tạng luộc bày chung mâm với nội tạng sống chuyển màu tái nhợt. Chốc chốc, người bán dùng chiếc giẻ lau chậm nước nhờn trắng bệt chảy ra từ nội tạng.

Ngoài cung cấp cho các quán cơm, quán nhậu, nội tạng còn được bán cho những người bán phá lấu. Bà Thắm, người bán nội tạng ở chợ này cho biết, khách hàng của bà chủ yếu là người bán phá lấu đến từ Q.4, Q.7 và Q.8. “Có người lấy một ngày chục ký, chỉ có lấy nội tạng luộc sẵn như thế này bán mới có lời nhiều”, bà Thắm quả quyết.

Theo chỉ dẫn của bà Thắm, chúng tôi tìm đến chợ Phước Lộc (đường Đào Sư Tích, huyện Nhà Bè), nơi được xem là “thánh địa” của nội tạng bẩn. Ở đây, nội tạng bẩn rất nhiều và được bán với giá rẻ đến bất ngờ: 12.000 đồng/kg. So với chợ tự phát trên đường Lê Văn Lương, tại đây người bán chiều khách hơn. Khách có nhu cầu mua từ 3kg trở lên sẽ được xử lý mùi trước khi giao hàng tận nơi ở khoảng cách cho phép.

Theo đó, khi còn trên mâm là mớ nội tạng đen sì, nhưng sau vài phút xử lý, nội tạng trắng phau. Công nghệ tẩy trắng tại đây thấy là… chạy có cờ. Không xử lý bằng loại hóa chất thể lỏng như những nơi khác mà ở đây sử dụng loại bột mịn màu trắng, không mùi.

Người bán ngồi bên ngoài nhà lồng chợ tỏ ra nhiệt tình: “Loại bột này tẩy rửa cực nhanh, giá đắt hơn các loại nước khác. Khi ngâm nội tạng trong nước có pha bột này, không chỉ làm mất mùi hôi, tanh mà còn làm cho nội tạng săn lại, ăn dòn và dai hơn chẳng khác nào nội tạng tươi”. Khi được hỏi về nguồn gốc của nội tạng, người bán có vẻ dè dặt hơn: “Người ta đem đến bỏ”.

Ghi nhận tại các chợ lớn, nhỏ thuộc vùng ven thành phố cho thấy nội tạng ươn thối qua xử lý bằng hóa chất được bày bán công khai. Có chợ nội tạng được bán ở các sạp thịt heo, thịt bò, có nơi bán kèm với rau, cá… Chị bán hàng rau ở chợ Phạm Thế Hiển cũng bán thêm nội tạng luộc mới hơn tuần. Chị cho biết: “Công nhân hay hỏi mua món này nên tôi lấy về bán thử, bán được lắm, có ngày hơn 20kg”.  

Phát hiện phóng viên ghi hình, người bán chuẩn bị bưng mâm nội tạng chạy.
Phát hiện phóng viên ghi hình, người bán chuẩn bị bưng mâm nội tạng chạy.

Lâu nay, những người xem món phá lấu, thú linh, lòng heo… là món ăn chơi khoái khẩu, món nhậu “bắt” nhưng ít ai biết rằng mình đã ăn phải thực phẩm được chế biến từ thứ nguyên liệu bẩn, là “rác” nguy hại. Người bán vì lợi nhuận trước mắt, không màng đến sức khỏe của người ăn đã đành, trong khi người ăn phải trả tiền để ăn những món ăn nguy hại cho sức khỏe, chẳng khác nào tự đầu độc mình.

Bác sĩ Phạm Khắc Trí, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Việt-Pháp cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, nội tạng gia súc, động vật là “rác” chỉ dùng để làm phân hữu cơ hoặc tiêu hủy. Còn ở Việt Nam, nó là đặc sản không thể thiếu trong các quán ăn, quán nhậu bán với giá cao. Chính vì thế, nhiều đối tượng thu mua nội tạng từ nước ngoài rồi vận chuyển bằng nhiều đường cung cấp cho thị trường Việt Nam ngày càng nhiều.

Bác sĩ Trí khuyến cáo: "Ăn nội tạng bẩn qua xử lý bằng hóa chất chẳng khác nào ăn phải thuốc độc. Trong quá trình giết mổ, vận chuyển, nội tạng đã nhiễm mầm bệnh. Bảo quản không đúng cách, hoặc đông lạnh lâu ngày, vi khuẩn có cơ hội sinh sôi. Nội tạng để lâu ngày có hàm lượng độc tố cao, gây nhiễm khuẩn, vi sinh đường tiêu hóa. Nếu sử dụng nhiều có thể gây ngộ độc, nguy cơ gây ung thư cao, nặng thì chết người ngay sau khi ăn".

Theo Hương Huyền

Lao động