Lắp đặt biển báo giao thông như thế nào cho đúng quy định, dễ quan sát?
(Dân trí) - Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định khi lắp đặt biển báo hiệu giao thông phải quay về hướng đối diện chiều đi, đặt bên phải hoặc phía trên phần đường xe chạy để người dân dễ quan sát.
Thời gian qua, khi báo Dân trí đăng tải loạt bài "Ma trận" biển báo giao thông, phản ánh về tình trạng các biển báo bất hợp lý, bị che lấp, đánh đố người tham gia giao thông đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.
Trong đó, nhiều người đặt câu hỏi về việc lắp đặt biển báo hiệu đường bộ như thế nào cho đúng quy định, dễ quan sát.
Quy định về lắp đặt đèn tín hiệu và biển báo hiệu đường bộ
Để giải đáp những thắc mắc trên, phóng viên đã trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Cường cho biết, biển báo hiệu giao thông là một bộ phận không thể thiếu trên đường bộ giúp các phương tiện di chuyển thông suốt, đảm bảo an toàn.
Hiện nay, việc lắp đặt biển báo hiệu đường bộ như biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông,… được thực hiện theo quy định của Luật Đường bộ năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1.
Theo quy định, biển báo hiệu đường bộ gồm: Biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn, biển phụ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường (gọi chung là vạch kẻ đường); cọc tiêu, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột km, mốc lộ giới; tường bảo vệ và rào chắn; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Luật sư Cường khẳng định, nguyên tắc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông là mặt đèn quay về hướng đối diện chiều đi và phải đặt ở vị trí để người tham gia giao thông đường bộ dễ quan sát.

Biển báo giao thông trên đường Giải Phóng (Hà Nội) bị cây xanh che khuất (Ảnh: Nguyễn Hải).
Thứ tự lắp đặt đèn tín hiệu giao thông theo chiều thẳng đứng thì đèn đỏ ở trên, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở dưới. Còn thứ tự lắp đặt đèn tín hiệu giao thông theo chiều ngang thì đèn đỏ ở phía bên trái, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở phía bên phải theo chiều đi.
Đối với nguyên tắc lắp đặt biển báo hiệu đường bộ, luật sư Cường cho biết, mặt biển báo quay về hướng đối diện chiều đi, được đặt về phía bên phải hoặc phía trên phần đường xe chạy.
Trong một số trường hợp cụ thể, có thể đặt bổ sung biển báo ở phía bên trái theo chiều đi để chỉ dẫn, báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ; đặt ở vị trí để người tham gia giao thông đường bộ dễ quan sát và thực hiện.
Rà soát, thay thế những biển báo hiệu đường bộ không phù hợp
Luật sư Cường cho biết thêm, đối với biển phụ được sử dụng kết hợp để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.
Theo Luật sư Cường, chủ đầu tư xây dựng công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức thiết kế, lắp đặt đầy đủ biển báo hiệu trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình và báo hiệu đường bộ chỉ dẫn tại các điểm đấu nối đường khác với đường bộ do mình đầu tư xây dựng.
Người quản lý, sử dụng công trình đường bộ có trách nhiệm quản lý, sử dụng biển báo hiệu đường bộ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thay thế báo hiệu đường bộ theo quy định của pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Như vậy, biển báo hiệu đường bộ phải được lắp đặt, điều chỉnh, bổ sung, thay thế theo quy định tại Điều 23 Luật Đường bộ hiện hành.
"Với những báo hiệu đường bộ lắp đặt không phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, không tuân thủ quy định của luật đường bộ thì cơ quan chức năng cần phải cải tạo, sửa chữa, thay thế cho phù hợp đảm bảo thuận tiện, an toàn cho người tham gia giao thông", Luật sư Cường khẳng định.
Ông cho rằng, các tổ chức cá nhân không tuân thủ pháp luật, thực hiện việc lắp đặt biển báo hiệu đường bộ không đúng quy định gây ra tai nạn giao thông hoặc gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Cơ quan chức năng cũng cần tiến hành kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, thay thế các biển báo hiệu đường bộ không phù hợp, không đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn giao thông", Luật sư Cường nói.
Điều 20 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 2019 Bộ Giao thông vận tải quy định về vị trí đặt biển báo theo chiều dọc và ngang đường như sau:
Biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông.
Biển được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; biển được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt).
Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.
Trường hợp biển báo đặt trên cột (có thể đặt trên trụ chiếu sáng, trụ điện) thì khoảng cách mép ngoài của biển theo phương ngang đường cách mép phần đường xe chạy tối thiểu là 0,5m và tối đa là 1,7m.
Trường hợp không có lề đường, hè đường, khuất tầm nhìn hoặc các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh theo phương ngang nhưng mép biển phía phần xe chạy không được chờm lên mép phần đường xe chạy và cách mép phần đường xe chạy không quá 3,5m.
Theo Quyết định số 58/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển báo giao thông đường bộ, kích thước của các biển báo được quy định theo chiều dài và chiều rộng.
Cụ thể, chiều dài của biển báo thường là 600mm hoặc 900mm, chiều rộng thường là 300mm hoặc 450mm. Tuy nhiên, có một số biển có kích thước khác nhau như biển báo tên đường, biển báo nơi đỗ xe, và biển chỉ dẫn hướng.