Lập 13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh
(Dân trí) - Từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai thực hiện lập 13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, gồm: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Srêpok, Sê San, Hồng -Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai, Ba, Mã, Vu Gia - Thu Bồn, Hương, Cả, Trà Khúc, Kôn.
Tại cuộc họp về kế hoạch xây dựng “Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” và “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" diễn ra ngày 23/10, ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, trong thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện, bổ sung hồ sơ nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước theo Luật quy hoạch trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước chung cả nước đồng thời gửi lấy ý kiến các bộ, ban, ngành và một số địa phương. Vừa qua, Bộ cũng đã tổ chức họp hội đồng thẩm định hồ sơ nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia theo quy định.
Theo ông Vĩnh, trong thời gian tới Bộ này sẽ tập trung hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và xây dựng kế hoạch và lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch; thực hiện lập quy hoạch theo kế hoạch…
Ông Châu Trần Vĩnh cho biết, từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai thực hiện lập 13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, gồm: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Srêpok, Sê San, Hồng -Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai, Ba, Mã, Vu Gia - Thu Bồn, Hương, Cả, Trà Khúc, Kôn.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo các đơn vị tham dự đã tham gia đóng góp ý kiến chi tiết, cụ thể để xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng, phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn và liên kết giữa lĩnh vực tài nguyên nước với các lĩnh vực sử dụng nước khác như thủy lợi, thủy điện, xây dựng, giao thông...
Sông Hồng qua Hà Nội.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: “Quy hoạch tài nguyên nước phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tính liên kết, lồng ghép tổng thể trên phạm vi từng vùng, từng lưu vực sông; phải liên kết với các ngành sử dụng nước khác nhau để phát triển bền vững, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu”.
Vì vậy, ông Thành đề nghị các đơn vị khi thực hiện xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh phải lưu ý đến các vấn đề trong xây dựng quy hoạch tài nguyên nước. Cụ thể như quan hệ giữa quy hoạch tài nguyên nước với các quy hoạch khác để thống nhất, hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các đối tượng; phân vùng quy hoạch bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực; phải ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt; bảo đảm tính toàn diện, gắn kết giữa nước mặt và nước dưới đất; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Thứ trưởng Thành yêu cầu đảm bảo tiến độ thời gian, tính hiệu quả của các quy hoạch sau khi xây dựng.
T.K