Nghệ An:
Lao động Việt Nam đột tử ở Angola
(Dân trí) - Sang Angola theo con đường du lịch và làm nghề xây dựng được 14 tháng, anh Phan Văn Sơn (xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) bị đột tử chưa rõ nguyên nhân. Gia đình nghèo đang bế tắc trước khoản tiền 700 triệu đồng đưa thi thể anh Sơn về nước.
Bà Nguyễn Thị Kính (70 tuổi) - mẹ anh Sơn - cho biết anh đi lao động nước ngoài theo đường dây "chui" nên không có hợp đồng. Hiện vẫn còn gần 100 triệu chưa trả nợ được. Sau khi thông tin Sơn mất được anh em, bạn bè đi làm cùng xác nhận, gia đình bà Kính đã lập bàn thờ cho con trai. Nhưng việc đưa thi thể con về nước thì quá khó khăn. Trụ cột chính gia đình mất, cả gia đình không biết bấu víu vào đâu khi anh em, họ hàng đều khó khăn. “Người ta bảo để đưa được thi thể về nước cũng phải mất hơn 700 triệu đồng. Giờ có bán đất, bán vườn đi thì cũng không đủ, lấy đâu ra từng ấy tiền hả các anh… Nghĩ đến cảnh thằng Sơn một thân một mình nằm lại nơi đất khách quê người không có cơ hội được về với tôi và vợ con nó mà đau đớn quá”, bà Kính òa khóc nức nở.
Ông Nguyễn Hữu Chính - xóm trưởng, xóm Phúc Long - cho biết, gia đình anh Sơn thuộc diện khó khăn của xóm. Hiện tại chúng tôi đang vận động người dân trong xóm quyên góp ủng hộ, chia sẻ nỗi đau cùng gia đình bà Kính.
Trao đổi qua điện thoại, anh Phan Văn Nghĩa (anh họ làm việc cùng anh Sơn - PV) - cho biết, trước khi đi ngủ anh Sơn vẫn trò chuyện với mọi người bình thường. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau (ngày 12/4), khi gọi anh Sơn mà không thấy trả lời, mọi người mới phát hiện anh đã tử vong. Hiện thi thể của anh Sơn đang được chuyển đến nhà xác bảo quản để làm các thủ tục. Cộng đồng người Việt tại Angola cũng đang vận động quyên góp để đưa thi thể anh Sơn về nước an táng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An - khẳng định, hiện tại Bộ LĐ-TB&XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào được đưa lao động sang làm việc tại Angola. Hầu hết các lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola đều đi theo đường dây xuất khẩu lao động “chui” và thường phải chịu chi phí đắt đỏ nhưng có nguy cơ chịu nhiều rủi ro trong quá trình làm việc tại đây.
“Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Nghệ An có khoảng 500 người xuất khẩu “chui” tại Angola và có 7 người đã chết ở Angola. Riêng tình trạng người Nghệ An tử vong trong thời gian làm việc ở bên đó, chúng tôi rất khó can thiệp với đại sứ quán, bởi họ đi chui. Thông qua báo chí, chúng tôi mong muốn công an vào cuộc làm rõ những đường dây đưa lao động đi Angola bất hợp pháp này”, ông Lân cho biết.
Như Dân trí đưa tin, ngày 5/4, thi thể của hai lao động Việt Nam tử nạn ở Angola là anh Nguyễn Đức Cao (SN 1988, trú tại xóm 7, xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) và anh Nguyễn Công Nguyên (SN 1984, trú tại phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò, Nghệ An) đã được đưa về quê nhà an táng. Anh Cao và anh Nguyên đều đi sang Angola làm việc thông qua một đường dây xuất khẩu lao động “chui” và tử vong do sốt rét.
Doãn Hòa - Nguyễn Duy