1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bị tẩy chay ở Bình Dương

Từ công khai đến “quy định ngầm”, kể từ năm 2006, một số doanh nghiệp ở Bình Dương đã từ chối tiếp nhận lao động đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… với nhiều lý do rất mơ hồ.

“Quy định ngầm” này đã và đang làm cho con đường vào nam “kiếm cơm” của hàng ngàn lao động các tỉnh trên khốn khó chồng chất khốn khó.

 

Trong vòng 2 tuần lễ, ép cho cái giọng mình lơ lớ Bắc, tôi trong vai người chị đi xin việc cho đứa em trai. Cùng đi với tôi là một người bạn Thanh Hóa.

 

Với chiếc xe biển số 36 kèm một bộ hồ sơ, chúng tôi rong ruổi qua nhiều KCN-KCX của Bình Dương xin việc, nhưng hiếm có nơi nào nhận. Lý do hồ sơ của tôi bị loại, đơn giản vì “Công ty không tuyển người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”!

 

Từ công khai đến “ngầm định”

 

Khi biết chúng tôi có ý định xin làm công nhân, những người “đồng hương” chép miệng khuyên: “Anh chị cứ đi xin rồi biết, nhọc công, chứ chẳng được gì ngoài cái lắc đầu”. Dũng Đen, quê Thanh Hóa - hiện đang làm CN trên KCN Tân Bình - kể: “Cách đây mấy năm khi em mới vào Bình Dương, đi xin việc ở KCN Đại Đăng, Phú Lợi, em đã phát hoảng khi thấy một công ty giày da treo một tấm băngrôn với dòng chữ: “Không tuyển lao động Thanh Hóa, Nghệ An”.

 

Và bây giờ, thay vì trưng ra băngrôn như cách đây mấy năm, việc từ chối lao động Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh biến thành một quy định ngầm. Từ vòng nhận hồ sơ đến vòng phỏng vấn hoặc ngay cả khi đã “lọt” vào công ty rồi, nhưng cũng rất dễ bị “rớt” ra ngoài vì cái hộ khẩu miền Trung.

 

Tại KCN Sóng Thần, nơi đầu tiên chúng tôi nộp hồ sơ là công ty TNHH H.D, chuyên chế biến, xuất khẩu cá biển, cá ngừ. Công ty có nhu cầu tuyển dụng 400 nam, nữ CN, với nhiều chế độ ưu đãi, lương lại khá. Nhưng khi biết chúng tôi là người Thanh Hóa, bảo vệ công ty liền từ chối nhận hồ sơ. Chúng tôi năn nỉ thì nhận được chia sẻ từ một bác bảo vệ luống tuổi: “Không được con ơi, người ta đã không cho bố nhận hồ sơ của những lao động Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và cả Quảng Bình. Con có năn nỉ thế nào, bố cũng đành chịu. Nhận hồ sơ của các con bố sẽ bị bộ phận tuyển dụng trách vì đã làm sai quy định của công ty”.

 

Hôm sau, tôi liên lạc với số điện thoại trên thông báo tuyển dụng của công ty trên với mong muốn xin cho thằng em người Thanh Hóa vào làm công nhân, một lần nữa tôi nhận được câu trả lời: “Không nhận được, vì đây là quy định của công ty”.

 

Tôi bèn bảo: “Anh cố gắng giúp em, chi phí thì em gửi riêng cho anh”. Bên kia vẫn không động lòng: “Cũng không được vì sau đó còn có 2, 3 người ở bộ phận tuyển dụng phỏng vấn nữa, gặp hồ sơ các tỉnh trên, bằng lý do này hay lý do khác cũng sẽ bị loại ra thôi”.

 

Gia đình chị Phụng, mấy ngày đi tìm việc cho chồng nhưng vẫn chưa có.

Gia đình chị Phụng, mấy ngày đi tìm việc cho chồng nhưng vẫn chưa có.

 

Một số công ty trong các KCN-KCX như Đồng An, Đồng Đăng, Phú Lợi... chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu hoặc ánh nhìn dè bỉu từ bảo vệ của công ty. Đa số ở các công ty, bảo vệ là nơi đầu tiên nhận hồ sơ và cũng là khâu đầu tiên thực thi “cái quy định ngầm” ấy. Tương tự, nhiều lao động mới “chân ướt, chân ráo” đi xin việc cũng đã không lọt qua vòng “gửi hồ sơ”, nói chi đến việc được gọi phỏng vấn hay được nhận vào làm.

 

Liên hệ với số điện thoại trên thông báo tuyển dụng của công ty may E.V (KCN Đồng An) xin vào nộp hồ sơ tuyển dụng vị trí 20 nam công nhân đóng thùng thì được chị Phượng - bộ phận nhân sự - trả lời: “Nữ thì chúng tôi không ngại, bao nhiêu công ty cũng nhận, nhưng nam thì khó đấy. Lao động nam các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh muốn vào làm, phải có người trong công ty bảo lãnh”.

 

Người lao động khốn khổ

 

Cùng nộp hồ sơ với chúng tôi cũng có rất nhiều lao động là người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, nhưng tất cả chúng tôi đều tiu nghỉu ra về vì không có nơi nào tiếp nhận. Anh bảo vệ ở công ty E.V - KCN Đồng An - nói: “Tôi cũng là người Thanh Hóa đây. Tôi hiểu cảm giác của mọi người, nhưng thật tình mà nói một số người ở tỉnh mình hay gây gổ đánh nhau, nhậu nhẹt lại còn nóng tính. Đã thế lại rất “đoàn kết”, hễ một người bị cho nghỉ việc thì lập tức sẽ có một nhóm phản đối...

 

Một con sâu làm rầu nồi canh, chỗ này truyền chỗ kia, thế nên mới có cái quy định ngầm “Không tuyển nam lao động các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh” ra đời, đã làm lao động các tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh khốn khổ bao nhiêu năm nay”.

 

Trong những ngày lặn lội đi xin việc, chúng tôi quen được khá nhiều “đồng hương”. Chủ nhân của những chiếc xe mang biển số 36, 37, 38 đang dừng trước cổng công ty E.V, ai nấy mặt mày thất thểu, tay cầm mấy bộ hồ sơ.

 

Hùng - quê Đức Thọ, Hà Tĩnh - thở dài: “Lên TPHCM thì dễ xin việc, nhưng chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ, xuống Bình Dương thì bị từ chối. Bị từ chối vì không có kinh nghiệm hay gầy ốm đã đành, đằng này bị từ chối vì hộ khẩu, vì chính nơi mình sinh ra”. Hùng “nam tiến” đã được 2 năm, nhưng vẫn chưa “danh chính ngôn thuận” làm chính thức cho một doanh nghiệp nào.

 

Anh Nguyễn Văn Hải (quê Thọ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa) - Hiện đang làm công nhân cho một công ty chuyên làm thú gốm trên KCN Tân Bình - bộc bạch: “Ngày tôi mới vào nam, cũng vác hồ sơ xin việc nộp vào một số công ty ở Phú Lợi, Thủ Dầu Một, Bình Dương, nhưng chẳng có nơi nào nhận. Trong khi cùng đi xin việc với mình, những người ở tỉnh khác họ lại nhận, hồ sơ của mình thì họ từ chối thẳng thừng với lý do không tuyển người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Lúc đó tôi ứa nước mắt vì buồn và tủi.

 

Đồng ý rằng, nhiều người quê tôi đôi khi hùa vào đám đông mà không biết hậu quả, nhưng đó cũng chỉ là một số ít, hoặc họ muốn bảo vệ nhau nhưng không biết như vậy là sai. Tôi nghĩ, nếu được chỉ ra cái sai mọi người sẽ thay đổi. Tha hương vào nam cầu thực có ai nghĩ mình bị từ chối chỉ vì cái “hộ khẩu” bao giờ?

 

Gần 2 tuần xin việc, đi đến đâu họ cũng từ chối. Số tiền mang theo sắp hết, nên tôi phải lên TPHCM. Tôi xin vào làm cho một công ty thú gốm, đi làm từ 10 giờ tối đến 8 giờ sáng, cực thì cực, nhưng mà người ta lại nhận mình”.

 

Không biết báo ai?!

 

Khi được hỏi tại sao không báo cơ quan chức năng về trường hợp các công ty từ chối nhận lao động các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh chỉ vì hộ khẩu, đa số lao động cho rằng, chỉ có bảo vệ mới từ chối trực tiếp và nói rõ lý do không nhận hồ sơ là vì hộ khẩu. Bộ phận tuyển dụng thì có đủ lý do để từ chối, hoặc không gọi phỏng vấn, đó là quyền của doanh nghiệp, của nhà tuyển dụng. “Muốn báo cơ quan chức năng để chúng tôi được đối xử công bằng, nhưng chẳng biết báo ai và phải báo như thế nào?” - một lao động nam thở dài.

 

Theo Lê Tuyết
 Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm