1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ cháy kho hàng ở Thanh Xuân, Hà Nội:

Lãnh đạo quận xuống hiện trường để… báo cáo thành phố

(Dân trí) - Vụ cháy kinh hoàng kéo dài hơn 4 tiếng tại kho hàng của Công ty Việt Hoa để lại nhiều dấu hỏi về công tác cứu hỏa. Lãnh đạo quận Thanh Xuân khẳng định họ đã có mặt tại hiện trường ngay từ đầu để chỉ đạo những vấn đề... ngoài chuyên môn chữa cháy!

Như đã đưa tin, cơ quan CSĐT (CA quận Thanh Xuân) vừa khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để làm rõ trách nhiệm trong vụ hỏa hoạn đêm 28/5.

 

Theo quy định của luật PCCC, để xảy ra hỏa hoạn thì lãnh đạo chính quyền địa phương nơi để xảy ra hỏa hoạn là những người chịu trách nhiệm đầu tiên về vụ việc.

 

Tuy nhiên, có thể nói thiên tai, hỏa hoạn hay các vụ tai nạn xảy ra là nằm ngoài ý muốn của con người. Nhưng cũng có thể nói, nếu con người biết cách phòng, chống thì những thiệt hại đó có thể giảm đi được phần nào, thậm chí thiệt hại có thể bị triệt tiêu.

 

Vụ hỏa hoạn tại kho hàng của Công ty TNHH Việt Hoa (quận Thanh Xuân) là một minh chứng. Từ khi phát hiện ra vụ cháy mới chỉ có “khói khét” cho đến khi ngọn lửa bùng phát dữ dội là gần 2 tiếng đồng hồ và cháy kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ nữa. Điều đó phần nào nói lên công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều điều bất cập. Ngay cả một vòi nước công cộng dành cho công tác PCCC tại khu vực kho hàng rộng hàng nghìn m2 cũng không có.

 

Ngày 1/6, chúng tôi đã đặt vấn đề trách nhiệm của vụ cháy này với ông Hoàng Công Hồng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân. Tuy nhiên ông Hồng lại đề nghị chúng tôi xuống làm việc với Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân - ông Chu Đình Động.

 

Theo ông Động, ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Công Hồng, Phó Chủ tịch quận Lưu Tất Thắng đã có mặt kịp thời tại hiện trường để chỉ đạo.

 

Chúng tôi đặt vấn đề: Vụ cháy kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ gây thiệt hại nhiều tỉ đồng, vậy trong vòng 4 tiếng đồng hồ đó, có mặt tại hiện trường,  lãnh đạo quận Thanh Xuân chỉ đạo những vấn đề gì?

 

Ông Động cho biết, tối hôm đó, lãnh đạo quận xuống hiện trường để chỉ đạo “những mặt khác” bên ngoài công tác chuyên môn là chữa cháy thuộc trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy. Cụ thể, “những mặt khác” ở đây theo ông Động là “tháo gỡ các khó khăn khi các đơn vị khác đề xuất, sau đó sẽ… báo cáo lên UBND thành phố, còn công tác chuyên môn thuộc lực lượng công an”. Song, ông Động lại không trả lời được câu hỏi: Có đơn vị nào hôm đó đề xuất các phương án chữa cháy không?

 

Trong suốt buổi làm việc với PV Dân trí, ông Động luôn “đá” trách nhiệm cho các cơ quan khác là đơn vị PCCC và chủ doanh nghiệp.

 

Khi chúng tôi đặt thẳng vấn đề về trách nhiệm của UBND quận Thanh Xuân trong vụ hỏa hoạn này thì ông Động cho rằng, để người có chức vụ cao hơn trả lời trước công luận. Cho đến khi PV dẫn ra một số điều trong Luật Phòng cháy chữa cháy là chính quyền địa phương nơi để xảy ra hỏa hoạn phải chịu trách nhiệm thì ông Động cương quyết: “Đấy, các anh biết rồi thì còn hỏi làm gì?”.

 

Có thể nói, mới chỉ bắt đầu bước vào mùa nóng nhưng thời gian qua trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cho thấy công tác PCCC tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập nhưng những người chịu trách nhiệm chính lại dường như “vô can”.

 

Hồng Ngân - Tiến Nguyên