Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

Lãnh đạo không biết cấp dưới làm sai thì nên nghỉ

(Dân trí) - “Người đứng đầu không làm hết nhiệm vụ là người vô tích sự. Người nào nói không biết nhân viên làm sai tức là không làm gì cả, nên nghỉ, còn biết mà không kiên quyết nghĩa là bao che”. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thẳng thắn trao đổi với báo giới bên lề cuộc họp Quốc hội.

Thưa ông, quy trình xử lý trách nhiệm cá nhân lâu nay thực hiện như thế nào?

 

Tôi thấy lâu nay việc xử lý quá nhẹ, phải nói là không nghiêm. Các vụ việc vừa qua, chỉ có thể nói tương đối nghiêm một chút chứ không hoàn toàn nghiêm. Ví dụ như vụ Lã Thị Kim Oanh: Bộ trưởng và một số Thứ trưởng phải ra toà, nhưng cái đó cũng chưa đủ. Phải dứt khoát, không thể để báo chí nói “mỉa” là cứ làm rồi hạ cánh an toàn.

 

Khi những vụ việc xảy ra trắng, đen rõ ràng như vụ đổ tàu E1, sai phạm ở Cụm cảng hàng không miền Trung… vậy ai là người đứng ra chịu trách nhiệm?

 

Trước đây chúng ta đã có những tiền lệ. Các nước xung quanh chúng ta cũng có nhiều tiền lệ như thế này: Những chuyện gây thiệt hại cho dân như cầu bị sập, Bộ trưởng bị cách chức là bình thường, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn nước mình hệ thống quản lý nhà nước không nghiêm.

 

Bây giờ số người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày không kém so với số người chết hồi chiến tranh. Báo chí cũng phản ánh, tuy nhiên chỉ thấy người đi đường sai, chứ không thấy người cấp phép lái xe, người kiểm tra phương tiện, người vạch đường… nhận trách nhiệm.

 

Mỗi cấp Đảng đều phải coi lại. Kỷ luật Đảng có tại sao không xử lý, từ cảnh cáo đến khai trừ khỏi Đảng, hạ cấp, giáng chức, cách chức. Kỷ luật hành chính cũng rất nghiêm đấy chứ: khiển trách, cảnh cáo, cách chức. Ta quyết tâm nhưng còn nhẹ quá!

 

Tại sao chưa kiên quyết trong xử lý trách nhiệm?

 

Đảng cũng có điều lệ, cũng có kỷ luật nghiêm, quản lý hành chính cũng có kỷ luật để người đứng đầu quản lý nhân viên. Trước là cảnh cáo, khiển trách, sau là cách chức, đuổi ra khỏi ngành. Người đứng đầu không làm hết nhiệm vụ đó thì chính người đó có khi là vô tích sự, không dám làm gì cả. Hỏi có biết nhân viên của mình làm sai mà nói là không biết tức là người đó không làm gì cả, thì nghỉ đi. Còn anh biết nhưng không kiên quyết nghĩa là bao che.

 

Người dân chính là tai mắt của Đảng và nhà nước, tại sao ta không phát động phong trào toàn dân chống tham nhũng?

 

Có hai điểm cần phải phát huy: Thứ nhất, phát huy hết mức hệ thống chính trị, giám sát. Thứ hai, phải làm nghiêm, nếu tổ chức chính trị làm ngơ thì sẽ trở thành áo giáp cho bọn ăn cắp.

 

Thưa ông, Quốc hội có quyền lực rất lớn trong xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể là hình thức bỏ phiếu tín nhiệm, tại sao trong thời gian qua rất nhiều các bộ, ngành có rất nhiều bức xúc nhưng chỉ có một cá nhân là đồng chí Lê Huy Ngọ bị xử lý trách nhiệm?

 

Đấy là đòi hỏi QH lần này phải có nghị quyết về vấn đề đó.

 

Sắp tới QH bàn về Uỷ ban chống tham nhũng, ông có hy vọng nhiều về uỷ ban chống tham nhũng hiện nay không?

 

Đảng là cơ quan lãnh đạo tất cả, cơ quan quyền lực giám sát tất cả các hoạt động. Kể cả đại biểu Quốc hội mà lăng nhăng thì cũng giám sát. Đại biểu Quốc hội nào mà hăng nhất, nói mạnh mẽ nhất xin mời vào giám sát, chứ không phải nói suông. Nói mà không có trách nhiệm thì vô nghĩa.

 

Thời kỳ ông làm thủ tướng đã thành lập ban chống tham nhũng, vậy có thể rút ra được những kinh nghiệm gì cho thời điểm hiện nay?

 

Trong Chính phủ không thể có duy nhất một Uỷ ban chống tham nhũng làm việc thay cho tất cả các bộ, các ngành. Các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm làm việc đó. Làm sao để Thủ tướng và Chủ tịch QH mỗi tháng họp với nhau một lần cùng tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật. Phải hợp tác với nhau ngay từ đầu để làm cho dứt điểm và nhanh.

 

Người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng. Nếu thấy tình hình nghiêm trọng quá không đủ sức thì xin nghỉ để làm việc khác.

 

Đức Hòa - Hồng Hạnh (ghi)