1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lãnh đạo Hà Tĩnh nói về sự đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

(Dân trí) - Thừa nhận sự đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là thất bại của những chính sách thiếu nhất quán trước đây, là bài học lớn cho không chỉ KKT Cửa khẩu Cầu Treo mà cho nhiều khu kinh tế khác trên cả nước, Hà Tĩnh đề xuất Chính phủ hướng đi mới cho KKT trọng điểm này.

Chiều ngày 14/8, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh xung quanh sự đổ vỡ thảm hại của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Lãnh đạo Hà Tĩnh nói về sự đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 1

Ông Dương Tất Thắng

"Tỉnh rất buồn"

Ông Dương Tất Thắng khẳng định, việc Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh cho ra đời Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (KKT Cầu Treo) là hoàn toàn chính đáng, bởi khu kinh tế này nằm trên Quốc lộ 8A qua biên giới Việt- Lào; Cửa khẩu Cầu Treo có một vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ; đây cũng là cửa ngõ ngắn nhất để Lào và các nước trong tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng hướng ra Biển Đông qua cụm cảng nước sâu Vũng Áng- Sơn Dương. Việc thành lập KKT sẽ đẩy mạnh thông thương giữa Việt Nam với Lào, thúc đẩy kinh tế phía Tây Hà Tĩnh và toàn tỉnh Hà Tĩnh phát triển.

Ông Thắng chỉ ra bức tranh khởi sắc từ sau khi Khu kinh tế Cầu Treo được thành lập, từ cơ sở hạ tầng, đời sống người dân trong khu kinh tế và đóng góp của khu kinh tế đói với ngân sách tỉnh này.

Tuy nhiên, PCT tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn thừa nhận sự đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo khi hầu hết các dự án được xem là đầu tàu của khu kinh tế chết yểu, thất bại thảm hại, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp quá nhiều khó khăn, việc thu hút đầu tư gần như là con số 0 vài năm trở lại đây.

Lãnh đạo Hà Tĩnh nói về sự đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 2

Dự án nhà máy may Five Star Hà Tĩnh trong KKT CKQT Cầu Treo khởi công xong để đó.

Ông Dương Tất Thắng nêu 3 nguyên nhân dẫn tới thảm trạng nêu trên, gồm:

Thứ nhất là nhu cầu thông thương, trao đổi hàng hóa giữa hai bên (Việt Nam và Lào) tại Cửa khẩu Cầu Treo đã không còn như trước. Trước đây, phía bạn xuất khoáng sản, gỗ, một số nguyên liệu khác; rồi họ nhập về xi măng, sắt thép, đồ vật liệu gia dụng... Nhưng nay phía bạn hạn chế hoặc cấm xuất thô các mặt hàng trên khiến quan hệ kinh tế hai chiều giảm mạnh, nguồn thu từ KKT cũng từ đó giảm sâu.

Thứ hai, việc Chính phủ bãi bỏ Khu phi thuế quan ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thương mại tại KKT Cầu Treo. Khi đang còn ưu đãi, khi đang còn miễn thuế thì doanh nghiệp cũng muốn vào Khu phi thuế quan, người dân cũng muốn lên đây để mua hàng hóa rẻ hơn, nên khu kinh tế có sự nhộn nhịp riêng, có nguồn thu lớn.

Sau khi Luật Thuế xuất nhập khẩu được áp dụng, KKT Cầu Treo và nhiều khu kinh tế khác mất dần các lợi thế, giữa trong và ngoài KKT không có lợi thế chênh lệch nữa. Khi không còn được miễn thuế thì người dân người ta không ngược xuôi lên đây mua hàng nữa.

Lãnh đạo Hà Tĩnh nói về sự đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 3

Một dự án bỏ không tại KCN Đại Kim

Thứ ba, khi Chính phủ bãi bỏ Khu phi thuế quan được ban hành theo Quyết định 162/2007/QĐ-TTg vào năm 2007, những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai và một số cơ chế chính sách khác không còn thì doanh nghiệp chịu quá nhiều bất lợi, không ai lên đầu tư nữa. Đó là chưa kể đến những bất lợi về đường sá, hạ tầng, lao động và thị trường.

Ông Thắng cho rằng, để vực dậy KKT Cầu Treo như trước là cả một câu chuyện rất khó, gần như không thể, là bài học lớn cho không chỉ KKT Cửa khẩu Cầu Treo mà cho nhiều khu kinh tế khác trên cả nước. “Ngay cả khu KT Mộc Bài (Tây Ninh), Lao Bảo (Quảng Trị), Chao Lo (Quảng Bình)... bao nhiêu năm sầm uất như thế, hiện cũng gặp khó khăn, khó vực dậy phát triển như trước”- ông Thắng cho hay.

Định hướng mới cho KKT Cầu Treo

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng theo ông Thắng, hiện tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực để phần nào vực dậy KKT Cầu Treo.

Giải pháp đầu tiên mà Hà Tĩnh triển khai và vừa được Chính phủ chấp thuận là điều chỉnh lại quy mô KKT theo hướng nhỏ gọn, hiệu quả hơn. "Quyết định thành lập (năm 1998-PV) của Chính phủ, KKT CKQT Cầu Treo có 4 đơn vị hành chính, bao gồm: các xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn, với tổng diện tích đất tự nhiên trên 56.000 ha. Nay, do nhu cầu không cần thiết rộng lớn, khu hàng rào cứng của Khu phi thuế quan gần như không còn ý nghĩa nữa, làm cái này mất công, không thực tế mà lãng phí, nên từ 56.000 ha nay có thể điều chỉnh xuống chỉ cần 10.000 ha"- ông Thắng cho hay.

Các diện tích lớn mà không phù hợp nữa trả lại cho địa phương để bố trí quy hoạch dân cư, đất sản xuất hoặc phát triển theo hướng khác. 

Lãnh đạo Hà Tĩnh nói về sự đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 4

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi được Chính phủ chấp thuận, tỉnh sẽ trả lại một diện tích lớn đất các dự án không triển khai cho các địa phương.

Thứ hai, tỉnh chắc chắn thay đổi cách thức tiếp cận doanh nghiệp và định hướng mới cho cửa khẩu. Trước đây KKT mời gọi doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất, nhưng giờ sản xuất không có ý nghĩa nữa vì không có lợi thế để thu hút các nhà đầu tư thì phải quay sang định hướng mới.

Đầu tiên là định hướng KKT thành điểm trung chuyển hàng hóa, hay còn gọi là cảng cạn. Tạo cơ chế mới để cho DN thuê kho bãi trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam, từ Trung Quốc để qua Lào, Thái Lan. KKT cũng là điểm gia công, đóng gói xuất khẩu sang bên Lào, Thái. Từ bãi trung chuyển, điểm gia công bắt đầu phát sinh nhiều loại hình dịch vụ khác...

Để làm được điều này tỉnh sẽ mở rộng quỹ đất ngay sát Cửa khẩu Cầu Treo để dành cho kho bãi hàng hóa, kho bãi trung chuyển, tăng cường dịch vụ ăn nghỉ, cung cấp các dịch vụ khác cho cửa khẩu. Sau khi giải tán chợ cũ nhếch nhác, sắp tới nhà hải quan cũ cũng giải tỏa để dành quỹ đất cho kho bãi.

Lãnh đạo Hà Tĩnh nói về sự đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 5

Một trung tâm thương mại có số vốn đầu tư 112 tỷ đồng bỏ không ở KKT Cầu Treo.

Hiện nay khu vực cửa khẩu kém sôi động một phần là do bị ràng buộc bởi quy chế biên giới không được cho người gửi lại qua đêm, không bố trí dân cư ở đấy. Sau khi điều chỉnh quy hoạch xong, tỉnh sẽ bố trí các vị trí cho người dân thuê đất dài hạn kể cả 50 năm để làm kinh doanh. Đây sẽ là lực lượng kết nối với các đầu mối phía bạn, là lượng góp phần làm sôi động khu kinh tế.

Khu vực thứ hai sẽ phải thay đổi là khu vực KCN Đại Kim (xã Sơn Kim 1). Những dự án mà doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nếu họ có nguyện vọng tiếp tục triển khai thì tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thêm cho họ. Còn các dự án đã cấp phép mà không triển khai, không đầu tư thì tỉnh sẽ thu hồi để làm sạch hạ tầng, phục vụ dự án làm trung tâm logitics, trong đó chủ yếu là kết nối trung chuyển, gia công, sang tải...

Lãnh đạo Hà Tĩnh nói về sự đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 6

Sẽ loại bỏ các dự án không triển khai tại Khu CN Đại Kim để nhường đất cho các dự án kho bãi trung chuyển.

Vấn đề thứ 3 là phải cải thiện hạ tầng ở Khu kinh tế. Sau một loạt thời gian lắng xuống, nguồn thu kém do thuế thu nhập qua lại cửa khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế hải quan thấp; việc quan tâm, đầu tư lại cho cơ sở hạ tầng rất kém. Đặc biệt, Quốc lộ 8A quan trọng bậc nhất hiện xuống cấp quá trầm trọng, nó ảnh hưởng cả hai phía Việt và Lào, thậm chí Thái Lan. Hạ tầng, đường sá không được cải thiện, không đi trước một bước thì rất khó thu hút đầu tư. Cái này tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ.

Văn Dũng - Minh Lý