Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La nêu khó khăn khi sáp nhập cấp xã
(Dân trí) - Ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh có buổi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Sơn La.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh giai đoạn 2023-2025 tỉnh thực hiện sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 13 đơn vị (giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã).
Đến cuối tháng 3 vừa qua, 28 đơn vị cấp xã này đã tổ chức xong lấy ý kiến cử tri với tổng số cử tri đồng ý đạt trên 91,6%.
Đại diện Sở Nội vụ Vĩnh Phúc nói việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách đang gặp một số khó khăn.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin, địa phương có 3 đơn vị hành chính cấp xã bắt buộc phải sắp xếp. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai lập quy hoạch chung xây dựng đô thị, phân loại đô thị với các đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau sáp nhập.
Sơn La là tỉnh miền núi, các đơn vị hành chính bị chia cắt bởi các núi đá, mật độ dân cư, trình độ phát triển và cơ sở hạ tầng không đồng đều, nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống.
Việc yêu cầu các đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp phải có hồ sơ Đề án phân loại đô thị trước khi trình hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, theo ông Minh, rất khó để đảm bảo tiến độ đặt ra (thời hạn gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ chậm nhất là ngày 30/6).
Vì thế, lãnh đạo tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Nội vụ sớm thẩm định và trình cấp thẩm quyền quyết định đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh này để tổ chức triển khai đảm bảo tiến độ.
Với tỉnh Phú Thọ, ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phản ánh đã xin chủ trương của Trung ương để 3 huyện sắp xếp trong giai đoạn sau.
Ở cấp xã, Phú Thọ có 80 đơn vị hành chính phải sắp xếp từ nay tới 2025 (53 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp và 27 xã liền kề) thành 32 xã mới.
Đến nay, Phú Thọ đã thực hiện xong lấy ý kiến cử tri, nhiều nơi trên 90% đồng thuận.
Làm việc với đoàn công tác, lãnh đạo Phú Thọ cũng nêu khó khăn trong sắp xếp cán bộ cấp xã, bởi họ đều được đào tạo rất cơ bản, năng lực thực tiễn tốt, trong khi ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối. Tài sản công gồm trụ sở xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… không giải quyết được ngay và nếu nóng vội sẽ dẫn đến lãng phí.
Tỉnh Phú Thọ kiến nghị Bộ Nội vụ, các bộ, ngành Trung ương xem xét cho phép 3 huyện và 14 xã đặc thù sẽ sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị các tỉnh đẩy nhanh tiến độ, xây dựng đề án đúng lộ trình. Đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt, bà Oanh yêu cầu việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị các tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách, trình HĐND cùng cấp ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư.
Các địa phương được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn kịp thời về phương án sắp xếp, công tác quy hoạch đô thị, xử lý tài sản công đạt hiệu quả, đúng quy định.