1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

“Giải mã” nguyên nhân đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

(Dân trí) - Cả Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (KKT Cầu Treo) hiện hoang tàn đến mức khó tin, do tất cả các dự án đầu tư vào khu kinh tế này đều khốn đốn, "ngắc ngoải" đứng bên bờ vực phá sản. Đâu là nguyên nhân dẫn tới thảm trạng này?

Cận cảnh Cửa khẩu Cầu Treo đìu hiu nhìn từ trên cao

“Chết” vì chính sách thiếu nhất quán

KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh khai sinh vào năm 1998, nằm trên địa bàn 4 xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn. Mục tiêu của việc thành lập KKT này là nhằm đẩy mạnh thông thương giữa Việt Nam với Lào, thúc đẩy kinh tế các huyện phía Tây Hà Tĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung, làm động lực để phát triển kinh tế của các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Sự kỳ vọng vào KKT Cầu Treo càng lớn khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 162/2007/QĐ-TTg vào năm 2007 công nhận đây là Khu phi thuế quan với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai và một số cơ chế chính sách khác.

Kể từ khi quyết định của Thủ tướng có hiệu lực, KKT Cầu Treo sầm uất hẳn lên khi người dân trong vùng khu kinh tế đã nắm bắt thời cơ, mạnh dạn đầu tư sản xuất. Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu kinh tế đón một lượng lớn nhà đầu tư từ nhiều địa phương, thậm chí liên doanh quốc tế vào đầu tư tại đây.

Tính đến cuối năm 2017, KKT Cầu Treo đã có gần 150 doanh nghiệp và hơn 700 hộ kinh doanh cá thể được cấp giấy đăng ký kinh doanh; có 15 dự án được cấp phép đầu tư đang triển khai thực hiện với tổng vốn đăng ký đầu tư (theo đăng ký) hơn 2.500 tỷ đồng.

“Giải mã” nguyên nhân đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 1

Khu vực Trạm kiểm soát hàng hóa vào nội địa (Cổng B) Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo từng rất nhộn nhịp.

Hoạt động giao thương thời điểm này tại Khu phi thế quan cũng rất rầm rộ. Hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực này khá đa dạng, xe chở hàng, khách nối đuôi nhau ra vào khu kinh tế. Bộ mặt khu kinh tế mở Cầu Treo thực sự đã có khởi sắc rõ nét.

Tuy nhiên, những “gam màu” tươi sáng ấy không kéo dài được bao lâu. Đang là khu phi thuế quan với hàng loạt chính sách ưu đãi, tháng 8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109 thực hiện một số điều từ Quyết định 72 về cơ chế chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, Thông tư quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào Khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.

“Giải mã” nguyên nhân đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 2

Công trường Nhà máy may Five Star Hà Tĩnh có số vốn đầu tư 150 tỉ đồng trên diện tích 6,5 ha bỏ hoang tại KKT Cầu Treo.

Thông tư của Bộ tài chính như cú sốc lớn đối với các nhà đầu tư cũng như nhân dân trong khu kinh tế.

Tiếp đó, ngày 1/9/2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu (XNK) có hiệu lực, KKT Cầu Treo không còn được xem là Khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây.

Việc thay đổi chính sách quá nhanh và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể khiến doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào KKT Cầu Treo gặp quá nhiều khó khăn, đổ bể. Ngoài các dự án đầu tư dang dở, phá sản, nhiều nhà đầu tư đang trong dạng thăm dò, tìm hiểu đã lập tức rời khỏi KKT Cầu Treo.

“Giải mã” nguyên nhân đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 3

Trung tâm thương mại tổng hợp miễn thuế của Công ty CK được xây dựng tại vị trí đẹp nhất của KKT tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi hoàn thành trung tâm thương mại này bỏ hoang, không hoạt động.

Một cán bộ tại KKT Cầu Treo (nay là KKT tỉnh Hà Tĩnh) ngán ngẩm cho rằng, các chính sách thay đổi thiếu nhất quán, chỉ mới đưa vào áp dụng đã thay đổi đã ảnh hưởng rất lớn đến các dự án đang đầu tư cũng như ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp tới mục tiêu hoạt động và quy mô dự án. Vì vậy, việc thu hút các doanh nghiệp vào thuê đất ở KKT Cầu Treo để hoạt động sản xuất là vô cùng khó khăn.

“Giải mã” nguyên nhân đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 4

Một khu nhà bỏ không tại KCN Đại Kim nằm trong KKT Cầu Treo.

Một lý do khác khiến hoạt động KKT Cửa khẩu Cầu Treo rơi vào thảm trạng là do Quốc lộ 8A, huyết mạch nối Hà Tĩnh với nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan suốt một thời gian dài xuống cấp nghiêm trọng.

“Giải mã” nguyên nhân đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 5

Quốc lộ 8A xuống cấp nghiêm trọng, vá chằng vá đụp nhiều chỗ.

Năm 2010, Dự án nâng cấp, mở rộng QL8A do Ban quản lý dự án 4 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư được triển khai, hàng chục km được nâng cấp, mở rộng. Dù tình hình có được cải thiện, nhưng nhìn chung, huyết mạch giao thông này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của KKT Cầu treo nói riêng và các huyện phía Tây của Hà Tĩnh nói chung. Hiện tại, mặt đường nhựa nhiều đoạn qua địa phận xã Sơn Diệm, Sơn Tây và Sơn Kim 1 đang tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường bị bong tróc, ổ trâu ổ gà chi chít, đe dọa an toàn cho phương tiện giao thông.

Cần giải pháp gấp để cứu KKT Cầu Treo

Tại Kỳ họp kỳ họp thứ 10 HĐND  tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII vào trung tuần tháng 7 vừa qua, đại biểu, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Trần Văn Kỳ khẩn thiết kêu gọi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các sở ngành cứu lấy KKT Cầu Treo.

Bí thư Huyện ủy Hương Sơn thẳng thắn chỉ ra các bất cập từ sự đổ vỡ các dự án, dự án treo lâu năm, dân thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm trầm trọng tại khu kinh tế dẫn tới hàng loạt hệ lụy về kinh tế, xã hội, an ninh. Nêu dẫn chứng tại KCN Đại Kim, xã Sơn Kim 1, ông Kỳ kiến nghị: “Cần có giải pháp khôi phục ngay, nếu không thì trả lại đất cho địa phương để người dân có đất sản xuất”.

“Giải mã” nguyên nhân đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 6

Dự án Hạ tầng khu dân cư tập trung thuộc khu đô thị Nam sông Ngàn Phố đầu tư rồi bỏ hoang. Chủ đầu tư hiện cũng đã... một đi không trở lại.

Tổng hợp ý kiến của lãnh đạo Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn và một số doanh nghiệp hiện “chôn chân” ở KKT này nêu ra, giải pháp then chốt để vực dậy KKT Cầu Treo là cần có một cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, có tính ổn định trong vòng ít nhất từ 10-20 năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Các ý kiến cho rằng, sẽ không có bất kỳ nhà đầu tư nào bỏ vốn đầu tư tại KKT Cầu Treo khi mà chính sách thiếu nhất quán, quyền lợi của doanh nghiệp không được đảm bảo như thời gian qua.

Các nhà đầu tư cho rằng, đối với những doanh nghiệp đã đầu tư nhưng gặp khó khăn do cơ chế chính sách thay đổi, Hà Tĩnh và các bộ ngành Trung ương cần có giải pháp tháo gỡ, trong đó đặc biệt là vấn đề giãn nợ, bảo lãnh nguồn vốn vay.

“Giải mã” nguyên nhân đổ vỡ của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - 7

Hiện rất cần những cơ chế chính sách thông thoáng để KKT Cầu Treo thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

Tiếp đến, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần đẩy nhanh tiến độ thủ tục trình Chính phủ tái thành lập khu phi thuế quan tại KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với quy mô và mức độ phù hợp với nhu cầu, đảm bảo hiệu quả khi đi vào hoạt động. Tỉnh cũng cần sớm có định hướng hoạt động và có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội của KKT để kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư; có chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế này tại KKT.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần nghiên cứu, đề xuất HĐND có các cơ chế, chính sách phù hợp cho KKT, trong đó, tranh thủ lồng ghép, bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho KKT; đặc biệt là đề xuất Chính phủ bố trí vốn sớm hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A để thu hút đầu tư vào KKT.

Văn Dũng – Minh Lý