“Làng Seoul” bên biển Quảng Bình

(Dân trí) - Nhiều năm nay, một ngôi làng ven biển Quảng Bình được người dân địa phương gọi với một cái tên khá đặc biệt là “làng Seoul”. Tên gọi này xuất phát từ việc rất nhiều công dân của ngôi làng này đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài mà chủ yếu là ở Hàn Quốc.

Tên gọi Thủ đô Hàn Quốc được người dân địa phương đặt cho một cụm dân cư ven theo trực đường chính của thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến với ngôi làng có cái tên đặc biệt này. Đến đây, chúng tôi đã thực sự bất ngờ vì ở một vùng đất ven biển đầy gió, cát, một cụm dân cư nổi lên với hàng trăm ngôi nhà khang trang, kiến trúc hiện đại nằm san sát nhau, tựa như một khu đô thị đang kỳ phát triển.

Làng Seoul của thôn Nhân Quang nổi bật với những căn nhà khang trang
"Làng Seoul" của thôn Nhân Quang nổi bật với những căn nhà khang trang

Những người dân ở đây cho biết, công dân của cụm dân cư này hầu hết đều đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, khi trở về quê đã mua đất, xây dựng nhà cửa, tạo ra một bộ mặt mới cho làng quê nghèo trên đất cát. Cũng vì lẽ đó, cái tên “làng Seoul” xuất hiện.

“Chú nhìn nhà cửa là biết ở dân ở đó giàu, hầu như nhà mô cũng có người đi nước ngoài lao động, mà Hàn Quốc là nhiều nhất nên họ có tiền làm nhà to, vì rứa mà dân ở đây gọi là làng xê – un đó”, một người dân nói.

Anh Dương Quang Cường (SN 1970), một trong những người đầu tiên đến sinh sống và đặt nền móng cho vùng đất được gọi là “làng Seoul” cho biết, khoảng những năm 1998, thôn Nhân Quang chủ yếu mưu sinh bằng nghề đi biển, nhưng vẫn cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, cuộc sống nhiều khó khăn, vùng đất nay được gọi là ‘làng Seoul” lúc đó chỉ là một khu đất trống, bị vùi lấp bởi những đồi cát.

Hầu hết các hộ dân ở đây đều đi lao động tại nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc
Hầu hết các hộ dân ở đây đều đi lao động tại nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc

Vì đất ở phía trung tâm xã chật chội, không còn chỗ, gia đình anh được chính quyền địa phương khuyến khích đến tại một bãi đất trống toàn cát ở phía tây, giáp với xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới) để làm nhà, định cư. Vào Năm 1999, chính quyền địa phương kêu gọi người dân trong xã đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nên anh Cường đã đăng ký đi xuất khẩu lao động. Gần 5 năm lao động cực nhọc nơi đất khách quê người, anh Cường trở về quê và xây được cho mình một căn nhà 2 tầng khang trang.

“Khi đó, cả khu đất này mới chỉ có 2 ngôi nhà, là nhà tui và căn nhà cấp 4 của em trai. Đường lúc đó là đường đất đỏ chứ chưa phải đường nhựa như bây giờ, chẳng có nhà cửa gì, hoang vu lắm. Dần dần những người đi xuất khẩu lao động nước ngoài về đây mua đất, làm nhà ở đây. Nhà nào cũng xây dựng khang trang, mà toàn người đi Hàn, biết tiếng Hàn nên họ mới gọi là “làng Seoul”, anh Cường chia sẻ.

Anh Dương Quang Cường, một trong những người đầu tiên đến sinh sống và đặt nền móng cho vùng đất được gọi là “làng Seoul”
Anh Dương Quang Cường, một trong những người đầu tiên đến sinh sống và đặt nền móng cho vùng đất được gọi là “làng Seoul”

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Khiến, Trưởng thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch cho biết, khu vực được người dân gọi là “làng Seoul” hiện có khoảng 100 hộ dân, nhiều người ở đây vẫn tiếp tục lựa chọn đi xuất khẩu lao động nước ngoài, đặc biệt sau sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, người dân làng biển gặp không ít khó khăn nên đã ra nước ngoài lao động. Toàn thôn Nhân Quang hiện nay có trên 150 người đang lao động tại nhiều nước khách nhau, mà chủ yếu là Hàn Quốc.

“Cái tên “làng Seoul” là do ngươi dân ở đây đặt và gọi cho một cụm dân cư của thôn Nhân Quang, họ gọi như vậy cũng gần 5 năm rồi, ở đây nhà cửa rất khang trang, kiến trúc hiện đại khác hẳn với khu vực còn lại của thôn. Và cũng chính nhờ đi làm thuê ở Hàn Quốc, thôn quê mới có diện mạo phát triển như thế này”, ông Khiến phấn khởi.

Những căn nhà mới được xây dựng trên quê hương Nhân Quang, xã Nhân Trạch
Những căn nhà mới được xây dựng trên quê hương Nhân Quang, xã Nhân Trạch

Hiện nay, không chỉ người dân thôn Nhân Quang mà rất nhiều người dân ở các thôn khác cũng tìm đến đây mua đất, làm nhà. “Làng Seoul” đang tiếp tục mọc lên những căn nhà mới, khang trang, nhờ vậy bộ mặt của một vùng quê nghèo ven biển đang dần đổi thay từng ngày.

Tiến Thành