1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ "lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ xuyên Việt"

Làng này chẳng ai tin “cậu Thủy”!

Cái tin “cậu Thủy” bị gia hạn tạm giam thêm 4 tháng nữa cũng đã nhanh chóng về đến làng Trác Bút, thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh. Cũng có người quan tâm, muốn biết cụ thể sự việc thế nào. Nhưng phần đông người làng khi nghe chúng tôi gợi chuyện, đều cười khẩy cứ như sự việc đương nhiên sẽ diễn ra như vậy.

Bị thong manh nhưng hành nghề thấu thị!

Từ hồi hai vợ chồng “hờ” Nguyễn Thanh Thúy tức “cậu Thủy” và Mẫn Thị Duyên bị bắt, làng Trác Bút đỡ hẳn cái “nạn” cứ dịp lễ, mồng một, ngày rằm là xe pháo ở đâu cứ kéo về bít kín đường làng. “Đấy, cái ông Thúy ấy, hồi mới ở tù ra thì kêu bị thong manh, chẳng nhìn thấy gì. Thế rồi tự dưng khỏi. Giờ lại vào tù rồi, chẳng biết có còn nhìn thấy gì nữa không?”, người phụ nữ tên Cường giọng tưng tửng.

Nguyễn Thanh Thúy không phải là người làng Trác Bút. Thúy người Ân Phú của huyện Tiên Du. Khoảng năm 1995, sau khi ly dị vợ, Nguyễn Thanh Thúy đến chung sống như vợ chồng với Mẫn Thị Duyên người làng Trác Bút. Mảnh đất mà Thúy và Duyên xây lên ngôi nhà to nhất làng sơn màu xanh vàng lòe loẹt và đôi sư tử đá đứng chầu trông chả giống ai hiện nay nghe đâu vốn là của mẹ bà Duyên đứng tên.

Nhưng đấy là về sau này, còn thời gian đầu khi hai người về ở với nhau, nó chỉ là căn nhà cấp 4. Cả hai cùng có con riêng, nhưng không có con chung. Người làng bảo, từ hồi ấy, đôi vợ chồng hờ Thúy – Duyên đã được biết đến với nhiều trò lừa đảo liên quan đến tâm linh, cúng bái. Điển hình là vụ đào vàng cho một gia đình ở bên làng Vọng Nguyệt thuộc xã Tam Giang, cùng huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Thấy bảo gia đình này ban đầu biết bị lừa vẫn cố giấu giếm họ hàng, nhưng sau không chịu nổi mới làm đơn kiện gã “thầy cúng” thong manh Nguyễn Thanh Thúy và “bà đồng” Mẫn Thị Duyên.

Chuyện là thế này: Khi gia đình chuẩn bị xây bên làng Vọng Nguyệt, mới nhờ “thầy” Thúy sang “xem”. Khi xem xong, “thầy” phán rằng dưới mảnh đất ấy có một thỏi vàng rất to. Gia chủ phải đào lấy thỏi vàng ấy lên thì mới xây nhà được. Tuy nhiên, điều kiện để lấy được thỏi vàng ấy là chủ nhà phải chuẩn bị một khối lượng tương đối vàng khác, có thể được đánh thành nhẫn, dây chuyền hoặc đồ trang sức ném xuống ao, hồ hay sông như một cách để “đổi” thì mới “yên” được. Và đặc biệt, lúc đào thỏi vàng ấy lên, chủ nhà không được nhìn, nếu không thì sẽ hộc máu tại chỗ?

Chủ nhà tin sái cổ, bèn bỏ tiền ra và huy động vay mượn cả họ hàng làng xóm mỗi người một ít để đi mua vàng nhẫn, dây chuyền. Có điều là số vàng nhẫn, dây chuyền ấy phải mua theo địa chỉ thầy Thúy chỉ chỗ. Đem vàng nhẫn, dây chuyền ném xuống ao, hồ rồi, người nhà mới bắt đầu tổ chức đào vàng lên. “Mà cũng thật kỳ, thấy bảo hôm ấy ông chủ nhà lén nhìn trộm thợ đào thỏi vàng, và bị hộc máu ra thật(?). Thế nên người ta mới lại càng tin… Sao lại có những việc cứ trùng hợp thế chứ?” - chị Cường nhớ lại!

Đình làng Trác Bút,
các phụ lão đã từ chối đồng tiền bẩn của vợ chồng hờ Thúy – Duyên.


Đình làng Trác Bút, các phụ lão đã từ chối đồng tiền bẩn của vợ chồng hờ Thúy – Duyên.

Mọi việc xong xuôi, thỏi vàng đào được chẳng biết thế nào, vì có ai được xem đâu? Chỉ đến khi gia chủ kia không chịu nổi, phát đơn kiện “thầy”, thì người ta mới té ngửa ra rằng đó là đồ giả. Lại cũng có người thấy vứt dây chuyền, nhẫn vàng xuống ao, tiếc rẻ bèn rủ nhau đi mò. Mò lên toàn là đồ dỏm, ngâm nước ít bữa tróc hết cả lớp mạ bên ngoài. Rút cuộc chỉ có tiền của gia chủ đi vay mượn bỏ ra mua vàng ném xuống ao, tiền đưa cho “thầy” là thật!

Sau vụ lừa vàng ấy, năm 1996, Thúy và Duyên bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt vì tội lừa đảo, chiếm dụng tài sản và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Nguyễn Thanh Thúy bị kết án 10 năm tù. Mẫn Thị Duyên bị án 12 năm. Năm 2005, sau khi ra tù, Thúy lại tiếp tục hành nghề lừa đảo tâm linh, tự tuyên truyền với xung quanh rằng mình có khả năng “thấu thị”, hành nghề tìm mồ mả và tham gia tìm mộ liệt sĩ với danh xưng là “cậu Thủy”.

Nguyên hồi trước khi cùng Duyên về làng, Thủy vốn bình thường. Sau một thời gian thì thấy bảo bị thong manh, đi đâu ra ngoài cũng đeo kính màu. Sau đó, cả hai vợ chồng hành nghề cúng bái, rồi bị bắt. “Khi ra tù, năm 2005, cũng có hàng xóm gặp hỏi thăm thì thấy mắt sáng bình thường. Sau lại thấy bảo thong manh, lại đeo kính màu, thì khách khứa đã nườm nượp rồi…”, chị Hoan ngồi gần đấy xen vào.

Người làng cũng chẳng… “tha”

Chúng tôi thắc mắc, rằng sao biết rõ “cậu Thủy” như thế, mà người ta vẫn tin, dân làng vẫn tin? Hầu hết mọi người đều bảo toàn là người nơi khác đến đồn thổi với nhau, chứ dân làng có ai tin “vợ chồng” nhà đấy đâu? Bằng chứng là sau khi ra tù lần trước, xây được nhà to rồi, vợ chồng Thúy – Duyên có xin được công đức vào đình làng, xin được ốp gạch, lát đá toàn bộ sân đình, nhưng các cụ trong làng nhất quyết không nhận. Đình làng Trác Bút là di tích lịch sử đã xếp hạng, thờ Mẫn Bá Liên, một tướng uy vũ lừng lẫy dưới thời chúa Trịnh Tạc, Trịnh Căn. Dưới thời Trịnh Căn, ngài làm đến chức Quận công Thái bảo.

Nếu thực là con cháu trong làng ăn nên làm ra, công đức vào đình vào chùa cho làng thì tốt quá còn gì. Nhưng đúng là may cho làng, hoặc giả có sự mách bảo linh thiêng nào chăng khiến cho các bô lão làng Trác Bút đã sáng suốt mà kiên quyết từ chối cái gọi là công đức từ những đồng tiền có nguồn gốc bất minh của đôi vợ chồng hờ đấy!

Làng Trác Bút xưa nay vốn thuần nông, con cháu thoát ly đi làm ăn xa quanh năm suốt tháng, mấy ai quan tâm trong làng có ông thầy bói ra làm sao? Thế nhưng của đáng tội, cũng có gia đình đã phải tin vào “thần năng” của “nhà tâm linh” nên đã mang vạ vào thân. Đó là trường hợp của gia đình thân nhân liệt sĩ Mẫn Bá Phùng. Chị Cường, có anh chồng làm rể gia đình bên ấy, bảo ngay từ hồi đưa kỷ vật là chiếc bình toong về, nhiều người đã ngờ ngợ. Ai đời cái bi đông bằng kim loại chôn dưới đất đến gần 40 năm trời mà hàng chữ đục trên vỏ vẫn mới như nguyên?

Hồi ấy cũng có người thắc mắc, nhưng ai mà can thiệp được? Mà thấy bảo cũng không phải do gia đình trực tiếp đến nhờ “cậu Thủy”, mà do bên ngân hàng họ tổ chức cả một xe to, chở toàn tiểu sành, trống dong cờ mở đi vào trong ấy để khai quật cả loạt. Thế nên mới có nhiều thắc mắc về thời gian, địa điểm hy sinh của liệt sĩ. Nhưng nào ai dám cản một khi đấy là “hài cốt liệt sĩ”?

“Gớm hôm ấy xã tổ chức đón rước linh đình. Cờ quạt, kèn trống đủ cả. Gia đình chỉ được thông báo tìm thấy như thế, được cho xem cái bình toong là tin, rồi cứ thế đưa ra nghĩa trang liệt sĩ, khóc lóc ghê lắm… Đến lúc vợ chồng nhà ấy bị bắt, khai quật lên thì mới té ngửa ra là không phải. Toàn xương người, xương động vật lẫn lộn, nhưng người ta giám định rõ có phải người nhà họ Mẫn đâu. Người đâu mà ác thế không biết!”, chị Cường tuôn ra một thôi một hồi.


Đình làng Trác Bút,
các phụ lão đã từ chối đồng tiền bẩn của vợ chồng hờ Thúy – Duyên.

Căn nhà to nhất làng, xanh vàng lòe loẹt với đôi sư tử đá ngoài cửa của Thúy – Duyên.

Trong sự việc đi tìm mộ liệt sĩ Mẫn Bá Phùng còn ẩn chứa một tình tiết khác. Đó là theo lời kể của gia đình liệt sĩ Mẫn Bá Phùng, họ được mời đi khai quật hài cốt mà không phải trả tiền cho “cậu Thủy”. Về sau gia đình mới biết, chuyến đi ấy được ngân hàng (Ngân hàng Chính sách Xã hội) đài thọ toàn bộ… Thế nhưng câu chuyện không phải chỉ là tiền. Cả gia đình bị lừa. Cả xã bị lừa. Bị lừa một cách “ngoạn mục”.

“Thì chú bảo, dân ai chẳng lạ gì cái nhà Thúy – Duyên ấy. Có khi nhà nó đề nghị thì chẳng ai nghe đâu. Nhưng bây giờ lại có cả cơ quan đứng ra như thế, thì còn ai biết đâu mà lần?”, một chị nói.

“Cứ chờ đấy mà xem”?

Quay về trụ sở UBND thị trấn Chờ, chúng tôi tìm gặp Ban Công an thị trấn. Vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp uống ngụm nước thì bỗng thấy ầm ầm bên ngoài. Ra là Ban Công an thị trấn vừa đi bắt một nhóm bạc, dẫn giải về trụ sở. Thấy bảo đám cờ bạc này liều lắm, tổ chức sát phạt nhau ngay tại ngã tư, gây mất an ninh trật tự cả góc phố. Hôm nay Công an thị trấn mới tổ chức hốt gọn được…

Đồng chí Nguyễn Văn Thao, Phó Trưởng Công an thị trấn Chờ khẳng định với chúng tôi trường hợp của vợ chồng Thúy – Duyên, tuy hành nghề tại địa bàn song cũng chưa bao giờ xảy ra hiện tượng xô xát hay tranh giành lộn xộn gì. Thông tin này cũng trùng khớp với những gì mà dân làng Trác Bút đã nói. Mặc dù sống giữa làng, song Nguyễn Thanh Thúy và Mẫn Thị Duyên ít khi giao thiệp với làng xóm. Ngoài chuyện ùn tắc xe cộ khi đến ngày làm lễ, mở phủ thì thực ra cũng không gây phiền nhiễu gì lắm tới dân làng.

Khi chúng tôi hỏi tại sao một hoạt động kiểu mê tín dị đoan, mở phủ tại nhà như thế lại hoạt động công khai, anh Thao cho biết, thực ra cũng có nhiều người cẩn thận, trước khi đến gặp “cậu Thủy” đã thông qua xã để nắm tình hình. Với những trường hợp như thế, các anh đều khuyên không nên tin “cậu Thủy”, vì thực tế ở thị trấn này chẳng ai tin cả. Nhưng việc người ta có nghe hay không, thì thật tình chúng tôi không thể can thiệp.

Được biết ngay cả trong gia tộc họ Mẫn của Mẫn Thị Duyên, không phải ai cũng ủng hộ việc làm của đôi vợ chồng hờ này. Thúy là người ở nơi khác đến thì không nói. Còn trong nhà Duyên, có nhiều người phản đối những trò lừa đảo, đồng cốt mà hai vợ chồng Thúy – Duyên đứng ra tổ chức. Mẹ đẻ Duyên đã nhiều lần khuyên ngăn con gái nhưng không được. Trong khi đó Duyên lại được sự hỗ trợ đắc lực của em trai là Mẫn Đức Phương (cũng đã bị bắt).

Chị Cường bảo nhớ như in cái hôm báo chí bắt đầu đưa thông tin về vụ tìm kiếm ở trong Quảng Trị. Gặp Duyên ở ngoài phố, vốn ít khi nói chuyện với nhau, bỗng nhiên hôm ấy Duyên lại bắt chuyện. Người quê vốn tính thật thà, hay nói thẳng, bèn hỏi thế báo chí họ đưa như thế là thế nào? Mẫn Thị Duyên vỗ ngực bồm bộp, bảo “chúng nó” đổ oan cho vợ chồng thị, rằng “nhà này đang chuẩn bị để kiện lại Thu Uyên đây. Cứ chờ đấy mà xem!”.

Thì đấy. Chờ rồi. Xem rồi. Bị bắt ráo cả. Tội trạng thế nào thì chưa biết, nhưng lừa cả người làng là rõ rồi. “Cơ mà không hiểu nhà ấy nó dựa vào cái gì mà tự tin quá thế không biết!” - Chị Cường nói mà như hỏi, xong quay sang đứa cháu chừng hơn tuổi đang nhao tay ra đĩa bột trước mặt: “Yên, để bà bón cho nào!”

Theo Việt Ba - Minh Tiến

Công an nhân dân