1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Làng cổ “run rẩy” trước miệng Hà bá

(Dân trí) - Hai năm trở lại đây, bờ bắc sông Ô Lâu thuộc thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị liên tục xảy ra tình trạng sạt lở đất, ảnh hưởng đến việc sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; đe dọa sự an nguy của một ngôi làng cổ.

Trong những trận mưa dông đầu tháng 6/2012, nước từ thượng nguồn đổ về làm sạt lở nặng nhiều điểm ở bờ bắc sông Ô Lâu; có nguy cơ cuốn mất ngôi làng cổ đang lưu giữ nhiều nhà rường cổ của tỉnh Quảng Trị - làng cổ Hội Kỳ.
 
Tình trạng sạt lở đang đe dọa con đường bê tông
Tình trạng sạt lở đang đe dọa con đường bê tông

 

Làng cổ Hội Kỳ nằm sát bên bờ bắc của dòng sông Ô Lâu, nơi có rất nhiều ngôi nhà rường cổ. Làng đang được UBND tỉnh Quảng Trị xem xét để trở thành ngôi làng sinh thái cổ của tỉnh. Hai năm trở lại đây, sau khi bờ sông phía nam thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế được kè bằng bê tông, dòng chảy của sông Ô Lâu bị thay đổi chuyển ngược sang phía thôn Hội Kỳ, khiến nhiều rặng tre có tuổi thọ hàng trăm năm của làng bị kéo tuột xuống đáy sông.

 

“Mấy ngày qua, mới chỉ có những trận mưa giông đầu mùa mà đã làm cho nhiều đoạn sông tại thôn Hội Kỳ sạt lở nghiêm trọng, có đoạn xâm thực sâu vào con đường bê tông của thôn với độ sâu 20m và độ dài hơn 10m  Con đường này có thể sẽ mất trong nay mai. Người dân chúng tôi lo lắm nhưng không biết làm sao”, ông Dương Văn Mẫu, Bí thư chi bộ thôn Hội Kỳ lo lắng.

 

Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất hoa màu cũng bị cuốn trôi, người dân đứng trước nguy cơ bị mất đất sản xuất. “Mới chỉ trải qua mùa mưa lũ năm 2011 và những trận mưa giông đầu tháng 6/2012 mà toàn thôn tui đã bị dòng nước xâm thực trên 1 hecta đất hoa màu, 6 ngôi nhà trong thôn có nguy cơ bị nước cuốn trôi. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp xử lý nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì…” - ông Dương Văn Cho, thôn trưởng thôn Hội Kỳ nói.

 

Điều đáng lo ngại hơn là những ngôi nhà rường cổ lớn nhất, có tuổi thọ cao nhất tỉnh Quảng Trị, cũng đang bị nạn xâm thực đe dọa. “Là một người được thừa hưởng ngôi nhà cổ lớn nhất của ông cha để lại, trước tình trạng sạt lở của bờ sông vào gần đến sân nhà, tui rất lo lắng nhưng cũng không biết khắc phục bằng cách nào. Mấy năm trước cũng đã xảy ra tình trạng xâm thực như vậy, tui phải bỏ tiền túi ra để mua đất về bồi lại; nhưng do đáy sông toàn đá nên không thể đóng cọc giữ đất lại được. Hai năm trở lại đây, dòng chảy sông Ô Lâu thay đổi, những rặng tre hàng trăm năm tuổi cũng bị nước cuốn trôi; con đường bê tông cũng bị xé toác; thì số phận nhà cổ càng đáng lo hơn. Mới những trận mưa giông đầu mùa mà đã như thế này, không biết mùa lũ tới thì sẽ ra sao đây!”, ông Dương Văn Mạnh, chủ nhân của một ngôi nhà cổ chia sẻ đầy lo lắng.
 
Một điểm sạt lở ngay trước ngôi nhà cổ của ông Mạnh
Một điểm sạt lở ngay trước ngôi nhà cổ của ông Mạnh

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Hữu Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, cho biết: Trước tình trạng xâm thực của dòng Ô Lâu, UBND xã Hải Chánh đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên để xử lý. Về giải pháp trước mắt, xã hướng dẫn cho bà con chủ động tập kết của cải, vật nuôi và có thể chuyển nhà ở lên những nơi xa các điểm sạt lở, phòng nguy cơ trong mùa mưa bão năm nay. Riêng về công tác khắc phục thì xã không đủ kinh phí. Xã cũng mong cấp trên sớm có giải pháp hữu hiệu để giúp xã giữ được làng cổ.

 

Bình Dân