Thái Bình:

Làng bánh chưng trăm tuổi xuất hàng vạn bánh chưng dịp Tết

(Dân trí) - Bắt đầu từ Rằm tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng, người dân khắp nơi lại đổ về xã Tân Bình, thành phố Thái Bình, để mua bánh chưng gia truyền Cầu Báng. Dịp Tết đến, làng bánh chưng trăm tuổi này xuất hàng vạn bánh chưng đi khắp nơi.

Tết đang đến gần, những người gói bánh chưng ở xã Tân Bình căng mình làm việc để phục nhu cầu của khách và để đáp ứng những đơn hàng đã đặt trước đó. Bánh chưng Cầu Báng đã có từ rất lâu đời, cũng không ai nhớ thời điểm người dân Cầu Báng bắt đầu làm bánh từ khi nào, họ chỉ biết từ khi sinh ra đã thấy ông bà, bố mẹ làm bánh chưng để bán.

Làng bánh chưng trăm tuổi xuất hàng vạn bánh chưng dịp Tết - 1

Tết đang đến gần, những người gói bánh chưng ở xã Tân Bình cũng “căng mình” làm việc để phục nhu cầu của khách và để đáp ứng những đơn hàng đã đặt trước đó

 

Bánh chưng Cầu Báng có 2 loại, loại nhỏ gói hình ngũ giác đều, còn gọi là bánh chưng gù, giá 5.000 đồng/chiếc, loại to gói theo hình vuông truyền thống, giá từ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc. Mỗi ngày, một hộ làm bánh chưng ở đây bán được khoảng 200 chiếc bánh chưng gù, 100 chiếc bánh chưng to.

Riêng dịp Tết Nguyên đán, một hộ dân ở đây bán bình quân mỗi ngày hơn 1.000 chiếc, bình quân cả làng bánh chưng Cầu Báng bán ra hơn 1 vạn chiếc/ngày. Hiện nay, khu Cầu Báng có khoảng hơn 30 hộ thì có hơn 10 hộ làm bánh chưng quanh năm.

Làng bánh chưng trăm tuổi xuất hàng vạn bánh chưng dịp Tết - 2

Riêng dịp Tết Nguyên đán, một hộ dân ở đây bán bình quân mỗi ngày hơn 1.000 chiếc, bình quân cả làng bánh chưng Cầu Báng bán ra hơn 1 vạn chiếc/ngày

 

Ông Trần Hữu Bình, một người làm bánh chưng ở Cầu Báng cho hay: “Để có được chiếc bánh chưng thơm ngon đúng chất bánh chưng Cầu Báng, gạo nấu bánh thì phải là gạo của nếp quê lúa Thái Bình, thơm, đậm, Lá dong phải đặt từ vườn ở các tỉnh miền núi hay Thanh Hoá, chọn loại tấm to nhất, không rách, lá không già quá hay non quá để khi luộc lên, vỏ bánh, thân bánh có màu xanh nõn, nhìn ngon mắt. Đỗ xanh phải chọn loại hạt to đều, xay nhuyễn, đồ vừa chín tới, thịt nhân phải đúng thịt vai, nạc thì chắc, mỡ thì bùi”.

Làng bánh chưng trăm tuổi xuất hàng vạn bánh chưng dịp Tết - 3

Lá dong phải đặt từ vườn ở các tỉnh miền núi hay Thanh Hoá, chọn loại tấm to nhất, không rách, lá không già quá hay non quá để khi luộc lên, vỏ bánh, thân bánh có màu xanh nõn, nhìn ngon mắt

 

Khâu quan trọng nhất là xếp và luộc bánh. Ở cầu Báng, chọn lá, mua đỗ, đồ xôi, gói bánh ai cũng làm được, nhưng khi xếp bánh vào nồi để luộc, dứt khoát phải là người có nghề, thường là người đàn ông chủ hộ. “Phải khỏe tay để xếp chặt, khít, không để khe hở giữa các bánh, đồng thời phải xếp vuông vức thì khi luộc bánh, gạo nở ra bánh vẫn chắc nhưng không bị nở, biến dạng.

Anh Nguyễn Văn Khoa, ở Hà Nội cho biết: “Tôi có người bạn quê Thái Bình, đã từng vài lần về quê bạn chơi và được thưởng thức bánh chưng Cầu Báng, thấy thơm ngon, hợp khẩu vị, nên dịp tết mấy năm nay, năm nào tôi cũng đặt mua bánh chưng Cầu Báng về”.

Làng bánh chưng trăm tuổi xuất hàng vạn bánh chưng dịp Tết - 4

Khâu xếp và luộc bánh rất quan trọng. Ở cầu Báng, chọn lá, mua đỗ, đồ xôi, gói bánh ai cũng làm được, nhưng khi xếp bánh vào nồi để luộc, dứt khoát phải là người có nghề, thường là người đàn ông chủ hộ

 

Theo những người làm bánh chưng Cầu Báng, không chỉ người bản địa đến đặt bánh chưng, ở đây còn nhận đơn hàng lên tới hàng vạn chiếc từ con em đồng hương Thái Bình, người tỉnh ngoài sau khi thưởng thức cũng quay lại để mua bánh dịp trước và sau Tết.

Gia đình ông Trần Hữu Bình cho biết, cuối năm khách đặt rất đông, nhưng sau tết nhất là dịp Rằm tháng Giêng, mỗi ngày gia đình ông bán ra khoảng 1.000 bánh chưng.

Làng bánh chưng trăm tuổi xuất hàng vạn bánh chưng dịp Tết - 5

Những chiếc bánh chưng Cầu Báng đã hoàn thành chờ "lên bếp" để giao cho khách hàng

 

Dù có thời điểm khách đặt bánh quá nhiều đến làm không kịp, nhưng các hộ dân làm bánh Cầu Báng đã đặt ra một quy tắc “bất di bất dịch”: Làm bánh phải giữ được chữ tín làm đầu, một vạn cái bánh làm ra phải như một.

Đức Văn