1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lần đầu tiên Việt Nam hứng chịu cảnh “lũ chồng lũ, bão chồng bão”

Phương Thảo

(Dân trí) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin tại cuộc họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ nhận định, lần đầu tiên trong lịch sử, năm nay Việt Nam hứng chịu các trận lũ chồng lũ, bão chồng bão.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì cuộc họp báo tối 30/10, thông tin về nội dung phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ diễn ra cả ngày hôm nay.  

Lần đầu tiên Việt Nam hứng chịu cảnh “lũ chồng lũ, bão chồng bão” - 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo tối 30/10.

Cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ dành một phút mặc niệm đến cán bộ, chiến sĩ hy sinh và nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ. Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ phức tạp, thiệt hại vô cùng lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

“Đây có thể coi là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta hứng chịu các trận lũ chồng lũ, bão chồng bão với mức độ nghiêm trọng như vậy. Đến nay, các cơ quan đã thống kê được hàng trăm người chết và mất tích, 122.000 ngôi nhà hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại là 2.700 tỷ đồng” - ông Dũng nói.

Người phát ngôn Chính phủ khái quát, Thủ tướng rất chia sẻ những đau thương, mất mát mà người dân miền Trung đang gánh chịu, cùng với sự hy sinh của quân nhân, chiến sĩ, cán bộ công an thiệt mạng trong khi ứng phó, cứu trợ mưa lũ. Chính phủ sẽ nỗ lực làm hết sức, tập trung khắc phục hậu quả, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, vì cuộc sống an toàn bình yên của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên gọi điện trực tiếp, chỉ đạo các cơ quan phòng chống thiên tai ở Trung ương, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành. Ông cũng thường xuyên trao đổi với lãnh đạo quận đội, công an, đưa ra nhiều giải pháp, huy động lực lượng để cứu nạn, cứu hộ tại các tỉnh miền Trung.

3 vụ lở núi kinh hoàng đều ở khu vực địa chất ổn định!

Lần đầu tiên Việt Nam hứng chịu cảnh “lũ chồng lũ, bão chồng bão” - 2
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói về những vấn đề nổi lên qua đợt ứng phó bão lũ, thiên tai lịch sử những ngày qua.

Thông tin thêm về tình hình mưa lũ lịch sử đang xảy ra tại miền Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, đợt thiên tai diễn ra rất dị thường. Chưa bao giờ có cảnh 20 ngày có 4 cơn bão dồn dập đổ vào miền Trung. 

Dù khả năng năm 2020 thiên tai rất nặng nề đã được dự báo sớm, cảnh báo từ đầu năm nhưng vẫn khó ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề cập một số vấn đề nổi lên trong hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng chủ chốt tham gia hoạt động này là công an, quân đội.

“Các lực lượng đã tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai rất tích cực, vất vả. Đi cùng các đoàn cứu hộ, cứu nạn, chúng tôi nhận thấy cơ bản là anh em cán bộ, chiến sĩ không ngủ, nỗ lực ngày đêm. Tuy nhiên, trong thiên tai khủng khiếp như hiện nay, Việt Nam thực sự cần có lực lượng chuyên nghiệp hơn, có công cụ cứu nạn, cứu hộ tốt hơn. Thực tế hoạt động phòng chống thiên tai những ngày qua cho thấy nhiều điểm khó, các lực lượng không cách nào tiếp cận được hiện trường sự cố” – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nhận định.

Ngoài ra, theo ông Hiệp, cần nhìn nhận một cách khách quan là sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai tại Việt Nam còn rất… mức độ. Hầu hết các tuyến đê biển chỉ thiết kế chịu được bão gió, sóng to đến cấp 10 vì để nâng mức chịu đựng lên đến cấp 12 thì kinh phí đầu tư xây dựng phải tăng gấp đôi trong khi nguồn lực có hạn.

Vấn đề khác nổi lên trong đợt thiên tai khủng khiếp này là hiện tượng sạt lở đất rất phức tạp, không theo quy luật. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nêu thông tin, vụ sạt lở xảy ra ở Trạm kiểm lâm 67 (tại Thừa Thiên Huế, vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ), ở Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (tại Quảng Trị, làm thiệt mạng 22 cán bộ, chiến sĩ), ở Nam Trà My (tại Quảng Nam, làm chết gần 20 người)… đều là những khu vực địa hình ổn định, không có trên bản đồ cảnh báo sạt lở.

Đây là một vấn đề cho thấy cần đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu, cảnh báo thiên tai. Quan trọng nhất là việc xây dựng bản lồ sạt lở với tỷ lệ khả thi (1:500) để xác định điểm nguy hiểm trên thực địa ở hơn 10 tỉnh có nguy cơ cao. Thực tế, hiện nay, các khu vực mới chỉ xây dựng được bản đồ tỷ lệ 1:10.000, thậm chí là 1:50.000, không thể làm căn cứ tính toán xây khu tránh trú an toàn.

Thủ tướng yêu cầu không chủ quan, lơ là về dịch Covid-19

Lần đầu tiên Việt Nam hứng chịu cảnh “lũ chồng lũ, bão chồng bão” - 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ.

Cũng tại buổi họp Chính phủ sáng 30/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu không được chủ quan, lơ là, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Phải quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, theo dõi y tế đối với người nhập cảnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo cần tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân về nước, “thần tốc, thần tốc hơn nữa khi phát hiện có ca nhiễm”; đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%, nhất là nhân rộng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng; thúc đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa và tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm.