1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Phá một đường dây làm bằng giả:

Làm bằng giả… siêu tốc (bài 1)

Lần theo thông tin rao vặt làm bằng giả từ cử nhân đến… tiến sĩ có kèm bảng điểm trên một trang web, chúng tôi đã vạch mặt một mắt xích trong đường dây chuyên làm bằng giả “y như thật”.

Từ thông tin, chứng cứ do PV cung cấp, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Vũng Tàu đã vào cuộc bắt giữ những người làm bằng giả này.

Sau nhiều lần vào trang web rao vặt, đầu tháng 3-2012, chúng tôi nhắn tin cho người tên Long, bảo mình đang ở Vũng Tàu, cần bằng cử nhân để xin việc làm. Nhận tin, Long cho biết mình ở TP.HCM chứ không phải ở Vũng Tàu như trong trang web rao vặt.

Bằng gì cũng có!

Lần điện thoại tiếp theo, chúng tôi cho Long biết là đang cần gấp bằng ĐH Kinh tế TP.HCM, khoa Quản trị Kinh doanh. “Giá cả ra sao?” - chúng tôi hỏi. Long nói ngay: “8 triệu đồng một bằng, không cần đặt tiền cọc. “Muốn làm bằng tốt nghiệp năm nào, chính quy hay tại chức và bằng loại gì?” - Long hỏi. “Bằng loại khá, hệ chính quy, ra trường năm 2007” - tôi đáp. Long khẳng định chắc nụi: Sẽ có bằng kèm theo bảng điểm. Long yêu cầu chúng tôi gặp trực tiếp hoặc gửi thông tin cá nhân qua email ngoctrongda12@gmail.com. “Sau khi có hình ảnh, thông tin cá nhân thì trong vòng một ngày, tôi có thể giao bằng cho chị” - Long nói.

Chúng tôi vờ e ngại: Bằng giả rất dễ bị phát hiện. Khi chứng thực cán bộ sẽ biết ngay vì hình chụp quá mới so với năm cấp bằng… Long trấn an ngay: “Chúng tôi đảm bảo bằng sẽ y như thật, “bao” luôn công chứng tại phường, xã”. Long cũng cho biết sẽ “biến” bằng trở nên cũ kỹ bằng cách chà xát dưới nền nhà. Chúng tôi tiếp tục cù cưa: Khi nộp bằng, công ty sẽ kiểm tra bằng cấp gắt gao… Long khẳng định: “Từ năm 2010 đổ về trước, thông tin về bằng tốt nghiệp chưa được đưa lên mạng. Vì vậy, muốn kiểm tra họ phải lục hồ sơ gốc. Mỗi năm, một trường có cả ngàn sinh viên tốt nghiệp, muốn truy tìm ra cũng khó. Hãy yên tâm”. Long cũng hứa sẽ chỉ cho chúng tôi cách để “thoát” sự chú ý khi sao y, chứng thực.

Làm bằng giả… siêu tốc (bài 1)

Bằng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được đường dây của Long làm giả cho PV kèm bảng điểm giả. Ảnh: KL

Sau khi gửi thông tin cá nhân cho Long qua email, chúng tôi hẹn gặp Long tại TP.HCM “để tin tưởng nhau thêm”. Ngày 25-3, Long hẹn chúng tôi ra quận 1 để trao đổi. Tuy nhiên, sau khi bắt chúng tôi đợi, Long đổi địa điểm gặp mặt, yêu cầu chúng tôi đến Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình để Long dễ quan sát và cũng dễ bỏ chạy khi có “biến”.

Ngồi đợi ở công viên cả giờ vẫn không thấy Long, chúng tôi định về thì có tiếng xe máy đỗ kịch ngay cạnh. Một thanh niên cao, ốm, đeo kính, ăn vận khá bặm, cười cười với chúng tôi và xưng là Long.

Trò chuyện, Long cho biết mọi thông tin về “khách hàng” sẽ bị xóa như chưa từng biết nhau sau khi Long giao bằng. Long khẳng định có thể làm đủ mọi loại bằng của các trường. Riêng các trường Bách khoa, Ngoại thương… giá là 9 triệu đồng, các trường khác là 8 triệu đồng và chỉ trong vòng nửa ngày là có bằng…

Giao bằng, “khuyến mãi” công chứng

Lấy cớ phải về Vũng Tàu ngay, chúng tôi hẹn hai ngày sau sẽ nhận “hàng”. Long hứa sẽ gửi qua email cho chúng tôi xem trước. Nếu có sai sót sẽ chỉnh sửa. Long thông tin thêm: Bằng và mã số sinh viên của chúng tôi sẽ trùng với một sinh viên thật của trường. “Nhưng chẳng ai rảnh để lục hồ sơ, kiểm tra nên chị có thể yên tâm” - Long nói.

Chiều 26-3, Long gọi điện báo là đã có bằng. “Chị vào mail xem thử. Nếu có gì chưa ưng ý, báo để em chỉnh sửa” - Long nói. Khi mở mail, chúng tôi không tin là mình có cái bằng y như thật, có đủ dấu nổi, chữ ký, đóng dấu cùng chữ ký của hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (thời điểm năm 2007) và trưởng khoa Quản trị Kinh doanh… Ngoài ra, Long còn gửi kèm một bảng điểm các môn học suốt bốn năm với điểm tổng kết 7,42 cùng chữ ký của cán bộ quản lý.

Làm bằng giả… siêu tốc (bài 1)

Long (tên thật là Nguyễn Tấn Sang) tại Công an TP Vũng Tàu cùng với tang vật. Ảnh: VB

Đặc biệt, trong email Long gửi có một bộ bằng giả khác của Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai. Tên sinh viên là Phạm Thị Phúc M., quê Quảng Bình, tốt nghiệp năm 2010. Khi chúng tôi thắc mắc sao lại gửi “nguyên chùm” vậy, Long nói để đối chứng, cho chúng tôi so sánh về mẫu mỗi trường mỗi khác.

Chúng tôi quyết định “dụ” Long xuống Vũng Tàu. “Chi phí đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi chúng tôi sẽ lo” - tôi nói. Sau một ngày suy nghĩ, Long gọi cho chúng tôi nói đồng ý sẽ giao bằng tại Vũng Tàu “và cũng muốn lập lại chân rết tại địa bàn này” - Long giải thích.

Sáng 29-3, Long hẹn chúng tôi sẽ đi ô tô xuống Vũng Tàu để giao bằng. Những thông tin về việc làm bằng giả đã được báo cho Công an TP Vũng Tàu và Đội CSĐT tội phạm về TTXH đã lên kế hoạch, cử trinh sát giăng lưới.

Tại một quán nước trên đường Thống Nhất, TP Vũng Tàu, Long giải thích việc mình đến muộn là do “đi giao “hàng” tại Thủ Đức rồi mới xuống Vũng Tàu nên hơi trễ”. Sau đó, Long đưa cho chúng tôi một phong bì, bên trong có tấm bằng đại học giả như thật. Điều bất ngờ là Long đã sao y, chứng thực luôn tấm bằng giả thành chín bản, có đóng dấu và chữ ký của UBND một phường tại quận Tân Bình. Long cười, nói: “Cái này khuyến mãi thêm, khỏi phiền các bạn đi ra phường sao y, cứ thế mà mang đi nộp”.

Khi Long cất phong bì đựng bằng giả vào túi, các trinh sát đã chụp cổ tay Long, bắt gọn. Tại công an, Long khai tên thật là Nguyễn Tấn Sang (27 tuổi, quê Bình Định)…

Theo Trùng Khánh
Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm