“Là một tế bào của nước Nga, tôi xấu hổ trước bạn bè Việt Nam”

(Dân trí) - “Là một tế bào của nước Nga, tôi thấy xấu hổ trước bạn bè Việt Nam của mình - những người do có bài báo của Kosyrev được đăng trên một trong những tờ báo hàng đầu của nước Nga mà có chút nghi ngại đối với sự chân thành và tử tế trong quan hệ của chúng ta…”.

Sau khi đọc bức thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn gửi Tổng Giám đốc Hãng tin Nga về một bài viết với những lời lẽ sai lệch, xúc phạm đến lịch sử của Việt Nam, bà Evghenia Golovnya (Евгенния Головня) - nguyên giảng viên trường Đại học Điện ảnh Quốc gia toàn Liên Xô, nguyên Giám đốc Trung tâm Điện ảnh và vô tuyến truyền hình dành cho thanh thiếu niên - đã có đôi dòng chia sẻ cùng một người bạn Việt Nam là NSƯT Phạm Thanh Hà (Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Việt Nam). Được sự đồng ý của chủ nhân bức thư, Dân trí xin đăng lại bức thư thấm đẫm tình cảm của người Nga yêu Việt Nam này.

“Sự thành tâm và nỗi đau trong thư của bạn khiến tôi suy ngẫm quan điểm của riêng mình…

Tiếc thay, mỗi dân tộc và mỗi thế hệ đều có những người- kỳ- nhông đổi màu để thích ứng với hoàn cảnh sống tiện nhất cho họ lúc ấy. Cái hoàn cảnh sống bây giờ của Kosyrev đem lại cho ông ta lợi lộc gì, những động cơ nào thúc đẩy ông ta - những cái đó không đáng quan tâm. Điều đáng quan tâm là điều bạn nói về bài báo đó. Bạn nói đúng - “Tại sao phải minh chứng cái cần thiết của một quan hệ mới bằng cách phủ nhận tình bạn cũ? Đó là điều xa lạ với tính cách của cả người Nga và người Việt”. Điều đó không chỉ xa lạ với tính cách của hai dân tộc chúng ta, nó còn trái ngược với chất người BÌNH THƯỜNG.

Là một nhà báo, Kosyrev thiển cận và thiếu học, vì là người phụ thuộc và không trong sạch. Ông ta không có tầm tư chất báo chí đáng kể đối với xã hội để có thể phản ánh ý kiến của nhân dân Nga. Khi tôi còn là sinh viên, có những bạn Việt Nam cùng học. Khi tôi làm giáo viên, trong số sinh viên có các bạn người Việt. Chăm chỉ, chân thành, tử tế - họ được tôn trọng bởi lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc của mình. Đó là những người bạn, những người đồng chí của chúng tôi.

Là một người làm phim tài liệu, tôi biết lịch sử hiện đại của các bạn không phải qua ai. Tôi biết những thước phim chiến tranh Việt Nam, tôi cũng biết những thước phim về những ngày yên bình. Tôi quen nhiều người là đồng bào của tôi từng sống và làm việc tại Việt Nam. Chưa bao giờ tôi nghe thấy một lời nào không hay về nhân dân Việt Nam, một lời nào có hại cho quan hệ hai nước.

Là một tế bào của nước Nga, tôi thấy xấu hổ trước bạn bè Việt Nam của mình - những người do có bài báo của Kosyrev được đăng trên một trong những tờ báo hàng đầu của nước Nga mà có chút nghi ngại đối với sự chân thành và tử tế trong quan hệ của chúng ta. Tôi tin nhiều đồng bào của tôi đang có cảm giác tương tự. Và họ cũng như tôi đang đề nghị một điều: Xin đừng nghĩ về nước Nga và nhân dân Nga căn cứ vào những bài báo mà kẻ viết ra chúng thậm chí ngay cả nước Nga kẻ đó cũng đâu thực sự biết đến. Không biết và không yêu. Xin thứ lỗi.”.

Евгенния Головня