1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lá cờ giải phóng thấm máu đào trở về từ bên kia chiến tuyến

(Dân trí) - Lá cờ được Denver Shannon sử dụng để băng bó vết thương cho người lính giải phóng Lê Văn Tánh rồi đưa về Mỹ cùng với nhiều kỷ vật khác. Sau gần 50 năm sau, những kỷ vật của liệt sỹ Tánh và lá cờ giải phóng được Denver tìm cách trao trả về Việt Nam.

Mới đây, Thượng tá Nguyễn Thị Tiến (nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4) đã chuyển đến Bảo tàng quân khu 4 lá cờ giải phóng do một cựu binh Mỹ trao trả. Lá cờ giải phóng hai màu xanh, đỏ và ngôi sao vàng đã nhạt màu, loang lổ vết máu khô. Đằng sau lá cờ ấy là cả một câu chuyện dài với những day dứt của người lính từ bên kia chiến tuyến gần 50 năm qua.

Denver Shannon trao lá cờ giải phóng vẫn còn nguyên vết máu cho Thượng tá Nguyễn Thị Tiến sau gần 50 năm cất giữ ở nước Mỹ.
Denver Shannon trao lá cờ giải phóng vẫn còn nguyên vết máu cho Thượng tá Nguyễn Thị Tiến sau gần 50 năm cất giữ ở nước Mỹ.

“Mùa hè 2015, tôi rất bất ngờ khi nhận được thư của Denver Shannon. Ông bảo, ông biết tôi là người luôn tìm kiếm những kỷ vật của các liệt sỹ, ông tin tưởng tôi và muốn nhờ tôi kết nối, cùng với 1 tổ chức ở Mỹ, tìm kiếm và trao trả lại những kỷ vật của một người lính giải phóng mà ông đã cất giữ 47 năm qua”, Thượng tá Nguyễn Thị Tiến kể.

Câu chuyện về lá cờ giải phóng thấm máu đào

Câu chuyện được tái hiện qua email trao đổi giữa ông Denver Shannon và Thượng tá Tiến, thông qua phiên dịch. Denver Shannon từng là một tay lướt ván ở trường trung học, sau đó vào quân đội và được đưa sang Việt Nam tham chiến. “Tôi có thể đã chỉ là một con người bình thường, yêu thích môn lướt ván. Nhưng sau đó, theo cách nào đó, tôi trở thành một tên hung bạo thời chiến… không có lý do gì phải tử tế với tôi hoặc những kẻ như tôi”, Denver Shannon viết cho bà Tiến.

Đầu tháng 4/1969, đội biệt kích của Denver Shannon đi qua khu vực Bảy Núi, tỉnh An Giang, cách làng Tri Tôn vài dặm. Đích đến của đội biệt kích là núi Cô Tô. Tuy nhiên, tại đây, họ chạm trán với một đại đội quân giải phóng đang cố gắng tiến sâu về hướng U Minh. Với sự chi viện của một vài nhóm quân cộng hòa và lính Mỹ yểm trợ, đội biệt kích Mỹ đã có một trận đối đầu với quân đội giải phóng.

Những kỉ vật chiến tranh được Denver Shannon đưa về nước Mỹ sau thời gian tham chiến tại Việt Nam.
Những kỉ vật chiến tranh được Denver Shannon đưa về nước Mỹ sau thời gian tham chiến tại Việt Nam.

Khi Denver Shannon định rút đi cùng với đội biệt kích của mình thì nghe thấy tiếng rên của một người lính giải phóng bị thương. Thường thì việc “giải quyết” người bị thương của đối phương là trách nhiệm của lính cộng hòa, lính Mỹ không can dự. Nhưng tiếng rên của người lính giải phóng níu bước chân của Denver Shannon, khi đó là dược tá của đơn vị.

“Lúc đó, nhìn thấy hình chữ thập trên áo ông ấy, tôi hiểu ông ấy là lính quân y hoặc là y sỹ, dược tá giống tôi. Tôi tiến lại, thấy ông Lê Văn Tánh (tôi thấy giấy tờ của ông ấy ghi như thế) bị thương rất nặng, rất đau đớn. Tôi tiêm cho ông ấy một liều mooc phin rồi tìm cách băng bó vết thương. Hết băng gạc, tôi thấy lá cờ giải phóng ở gần đó nên lấy để băng. Máu ra nhiều quá, thấm cả lá cờ. Ông Tánh tỉnh táo đôi chút, tôi châm cho ông ấy 1 điếu thuốc lá vị bạc hà.

Chúng tôi trò chuyện với nhau, không nhiều lắm nhưng quãng thời gian ngắn ngủi ấy đã tác động đến tôi rất nhiều. Ông ấy đưa cho tôi một chiếc túi, nhờ đưa cho đồng đội hoặc gia đình ông ấy nhưng đó là thứ “bất khả xâm phạm”, dặn tôi không được mở ra. Không hiểu sao lúc ấy ông Tánh lại tin và giao cho tôi những thứ đó. Tôi đồng ý giúp ông Tánh. Ông ấy yếu dần rồi trút hơi thở cuối cùng.

Cuốn sổ ghi lại các kiến thức y khoa của liệt sỹ Lê Văn Tánh là một trong những kỷ vật được Denver Shannon cất giữ và trao trả lại Việt Nam.
Cuốn sổ ghi lại các kiến thức y khoa của liệt sỹ Lê Văn Tánh là một trong những kỷ vật được Denver Shannon cất giữ và trao trả lại Việt Nam.

Tôi được lệnh lên đường, cầm theo chiếc túi của người lính giải phóng. Không hiểu điều gì xui khiến, tôi tháo lá cờ dùng băng vết thương của ông Tánh, mang đi…”, Denver Shannon kể với Thượng tá Nguyễn Thị Tiến.

Mối tình đơn phương của người lính Mỹ và cô giải phóng quân

Mang theo tâm nguyện của liệt sỹ Lê Văn Tánh, Denver Shannon đưa toàn bộ kỉ vật của người lính về Sài Gòn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và trao trả kỷ vật của Tánh gặp rất nhiều khó khăn, do hai người ở hai chiến tuyến khác nhau. Sau đó, Denver Shannon bị kỷ luật vì đã tiết lộ bí mật quân sự cho một người con gái – là chỉ huy của một đơn vị vũ trang địa phương.

Lần đó, đơn vị của Denver Shannon đánh chiếm một điểm chốt ở Cần Thơ, bắt được một số tù binh, trong đó có 2 cô gái còn rất trẻ. “Cô gái ấy tên Minh, trẻ và rất đẹp. Tôi được biết cô ấy là một chỉ huy. Không hiểu sao, tôi yêu cô ấy ngay cái nhìn đầu tiên, dù lúc đó cô vừa được đưa từ phòng giam lên”, Denver kể với Thượng tá Tiến nhân lần sang Việt Nam, trao trả kỷ vật của liệt sỹ Tánh cho gia đình.

Denver Shannon mang một mối tình đơn phương với một nữ chiến sỹ cộng sản đã từng là tù binh của đơn vị. Vì tình yêu đó, Denver Shannon đã tiết lộ bí mật quân sự nhằm giúp người yêu tránh bị tra tấn và rồi chính ông đã bị kỷ luật.
Denver Shannon mang một mối tình đơn phương với một nữ chiến sỹ cộng sản đã từng là tù binh của đơn vị. Vì tình yêu đó, Denver Shannon đã tiết lộ bí mật quân sự nhằm giúp "người yêu" tránh bị tra tấn và rồi chính ông đã bị kỷ luật.

Bằng mối quan hệ của mình, Denver tìm cách đưa Minh đến “giam lỏng” ở một bệnh viện. Ngày thường chỉ có Denver được phép đến thăm. Denver quả quyết, Minh có yêu mình. “Tại sao ông dám quả quyết điều đó?” – Thượng tá Tiến hỏi. “Tôi thấy ánh mắt cô ấy nhìn tôi không căm thù như nhìn những người lính Mỹ khác. Tôi nghĩ, cô ấy có tình cảm với tôi”, Denver nói.

Cũng vì quá yêu cô tù binh giải phóng tên Minh này, sợ cô bị đánh đập, tra khảo nên Denver tiết lộ cho Minh một bí mật quân sự của đơn vị, để cô làm “bùa hộ mệnh” khi bị tra tấn. Sự việc bị bại lộ, Denver bị kỷ luật và đưa về nước.

“Trước khi về, tôi được đưa tới một nhà thờ ở Cần Thơ và chứng kiến Minh bị xử tử. Còn gì đau đớn hơn khi chứng kiến người con gái mình yêu bị giết chết bằng một cách tàn khốc. Lúc đó, tôi ước ao giá mình có một kỷ vật nào đó của Minh, chiếc cặp tóc hay chiếc lược chẳng hạn để có thể ôm ấp nó mỗi khi nhớ về cô ấy. Từ bản thân, tôi nghĩ, bất kỳ người Việt Nam nào đều mong muốn được lưu giữ những kỷ vật về người thân họ - đã ngã xuống trong các trận chiến”, người đàn ông gần nửa thế kỷ ôm mối tình đơn phương bật khóc.

Tìm cách trả kỷ vật về Việt Nam

Cái chết chấn động của “người yêu” khiến Denver thay đổi rất nhiều suy nghĩ của mình về cuộc chiến tranh Việt Nam. Bị đưa về nước, Denver mang theo lá cờ giải phóng, chiếc túi của liệt sỹ Tánh và nỗi đau về tình yêu không thành với người nữ chiến sỹ quả cảm bên kia chiến tuyến.

Giấy chứng nhận y tá của liệt sỹ Lê Văn Tánh được Denver Shannon trao trả cho gia đình cùng nhiều kỷ vật khác.
Giấy chứng nhận y tá của liệt sỹ Lê Văn Tánh được Denver Shannon trao trả cho gia đình cùng nhiều kỷ vật khác.

Lá cờ được Denver bảo quản trong một chiếc túi bóng, riêng những kỷ vật của liệt sỹ Tánh được ông thực hiện đúng lời căn dặn “bất khả xâm phạm” trước khi ông Tánh hi sinh. Mãi sau này, Denver mới mở chiếc túi ấy ra và phát hiện đó là 1 cuốn sổ, có thể là cuốn nhật ký hoặc tài liệu học tập y thuật của Lê Văn Tánh và một giấy chứng nhận y tá.

Năm 2015, một đoàn nhà văn Mỹ quyết định làm một bộ phim tài liệu về mối tình của Denver với cô giải phóng quân tên Minh. Trong một thời gian dài, Denver đã nhiều lần đến Việt Nam để tìm kiếm người thân của nữ chiến sỹ tên Minh nhưng có thể, để bảo đảm bí mật cho đơn vị và bản thân, Minh đã không cung cấp cho Denver những thông tin đúng về mình. Bởi vậy, dù nhiều lần tìm kiếm, Denver vẫn không tìm thấy manh mối nào.

Nữ nhà văn Lady Borton, rất thông thạo tiếng Việt, tình cờ đọc được cuốn nhật ký của liệt sỹ Lê Văn Tánh trong lần đến nhà Denver. Với sự kết nối của bà Lady Borton cùng với sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức khác, cuối cùng những kỷ vật của liệt sỹ Lê Văn Tánh đã được trao trả lại cho gia đình vào những ngày cuối cùng của năm 2015.


Lá cờ giải phóng của Denver Shannon trao trả cho phía Việt Nam được Thượng tá Nguyễn Thị Tiến chuyển đến Bảo tàng Quân khu 4 để bảo quản và trưng bày, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đất nước.

Lá cờ giải phóng của Denver Shannon trao trả cho phía Việt Nam được Thượng tá Nguyễn Thị Tiến chuyển đến Bảo tàng Quân khu 4 để bảo quản và trưng bày, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đất nước.

Riêng lá cờ giải phóng nhuốm máu ấy được ông Denver Shannon chuyển cho bà Tiến để “tìm một nơi phù hợp lưu giữ nó”. Và Bảo tàng Quân khu 4 – nơi lưu giữ nhiều kỷ vật chiến tranh và nơi duy nhất trưng bày 2.000 kỷ vật được sưu tầm thông qua các cuộc quy tập và hiện vật được các cựu chiến binh Mỹ trao trả cho phía Việt Nam để tìm kiếm những chủ nhân đích thực của nó – được chọn là điểm dừng chân cuối cùng, kết thúc hành trình gần nửa thế kỷ lưu lạc ở nước Mỹ xa xôi.

Lá cờ đã được Bảo tàng Quân khu 4 tiếp nhận, bảo quản và lên kế hoạch trưng bày, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho khách tham quan.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm